Trong đó, Thống đốc phát biểu làm rõ 3 vấn đề rất thiết thực với doanh nghiệp và người dân. Thứ nhất, Trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, NHNN đã luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ, đúng thời điểm và với liều lượng hợp lý để phản ứng nhanh nhạy, phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước.
Kết quả đã góp phần kiểm soát lạm phát bình quân dưới mức 4% theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực; thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay trong 5 năm qua giảm 3,7% so với giai đoạn 2011-2015; tỷ giá và thị trường ngoại hối tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao; tình trạng đô-la hóa giảm dần, niềm tin vào đồng Việt Nam ngày càng được củng cố.
Đây là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao xếp hạng tín nhiệm của quốc gia. Cùng với việc điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, suốt 5 năm qua, NHNN đã luôn quan tâm, chỉ đạo toàn hệ thống tăng cường cải cách thủ tục hành chính, bởi vậy 5 năm liền, NHNN đứng đầu trong số các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân theo chủ trương của Chính phủ.
Thứ hai, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, từ đó nâng cao hiệu quả chu chuyển vốn trong nền kinh tế. Các giải pháp, chính sách tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng (bình quân tín dụng tăng 15%/năm, riêng năm 2020 ước tăng khoảng 11%, đây là mức tăng phù hợp trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu do tác động của Đại dịch Covid 19).
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng còn thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ thanh toán, thực hiện các giải pháp an ninh và bảo mật hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo thanh toán an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ ba, Năm 2020, trước bối cảnh DN và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ, hạn mặn, NHNN đã đặt nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh là trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, bởi vậy, đã vào cuộc rất sớm.
Cụ thể, ngay sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, NHNN đã ban hành Thông tư 01 cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và cho phép giữ nguyên nhóm nợ; giảm phí thanh toán. Đây là những giải pháp kịp thời, rất thiết thực đối với doanh nghiệp và người dân và được các tổ chức tín dụng đồng tình ủng hộ và triển khai quyết liệt.
Tính đến 14/12/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay cho khoảng 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất giảm từ 0,5-2,5% so với trước dịch với doanh số cho vay khoảng gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.
Riêng NHCSXH đã gia hạn nợ cho trên 167 nghìn khách hàng với dư nợ trên 4 nghìn tỷ đồng, cho vay mới đối với khoảng trên 2 triệu khách hàng với số tiền trên 72 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền phí các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng ước tính đến hết năm 2020 khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN đã tích cực vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại để bổ sung năng lực ứng phó với đại dịch (như khoản trợ giúp kỹ thuật 6,2 triệu USD của WB và khoản 5 triệu USD của Quỹ We-fi ủy thác qua ADB để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ…)
Ngay sau khi xảy ra bão lũ và mưa lớn trên diện rộng, hạn mặn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng bám sát tình hình, đánh giá dư nợ bị thiệt hại. Từ đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay; khoanh nợ, xóa nợ cho nhiều khách hàng.
Bên cạnh đó, với tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội trong phòng chống Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ… Từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã dành khoảng 1.700 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội trên toàn quốc.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2021, đại dịch Covid-19 nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế thế giới và trong nước còn khó lường, bởi vậy thời gian tới Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu; tiếp tục tái cấp vốn cho NHCSXH để hỗ trợ người lao động. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; mở rộng tín dụng đi đối với an toàn, hiệu quả; thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, tạo thuận lợi cho DN và người dân.
Hai là, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ thế giới và trong nước để phản ứng kịp thời, đảm bảo cung ứng đầy đủ thanh khoản cho nền kinh tế; sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để đảm bảo đạt mục tiêu lạm phát bình quân khoảng 4% theo mục tiêu của Quốc hội.
Ba là, tiếp tục thực hiện tốt các mặt hoạt động khác để nâng cao hiệu quả chu chuyển vốn cho nền kinh tế; chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thực hiện chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau của Chính phủ.
NQ
Ảnh: Thống Nhất
Xem thêm: 314624VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www