Ngôi nhà cốt tre vách đất của anh Bà Rá Trí xây dựng từ năm 2001 sẽ được thay bằng ngôi nhà mới từ chính việc góp công của các bạn sinh viên - Ảnh: M.G.
Hai ngôi nhà vừa được hoàn thiện phần móng, các bạn sinh viên của Trường CĐ Quốc tế TP.HCM nhận phần thi công chính, đang thúc giục nhau nhanh tay để hai người bạn ở xã nghèo nhất của huyện Thuận Nam này kịp đón tết trong nhà mới.
Bà con xã Phước Hà phần lớn là người Raglai, chỉ nói được vài câu tiếng Việt. Địa hình đồi núi, ít đất sản xuất, khô hạn quanh năm nên cái nghèo cứ mãi đeo bám.
Năm 2019 gia đình anh Trí ở thôn Giá vay vốn xóa đói giảm nghèo mua hai con bò về nuôi. Dự định là bò lớn, vợ chồng anh bán đi trả nợ, còn dư chút đỉnh sửa lại căn nhà cho tươm tất. Nhưng hạn hán kéo dài, cỏ cây chết héo. Hai vợ chồng quần quật vẫn không kiếm đủ cỏ, rơm cho bò ăn.
Bò chết, vợ chồng anh đổ nợ. Vốn là cán bộ Đoàn của thôn Giá, vợ chồng anh được nhận vào làm tạp vụ ở trường tiểu học, thu nhập 2 triệu đồng/tháng.
Căn nhà vách đất của gia đình anh Trí tuổi đời đã 20 năm. Phần đất bùn trét ở vách nhà đã bị mưa gió bào mòn, lòi cả phên tre phía trong. Phía trước cửa chính ra vào nhà vẫn còn hiện rõ những con số: 2-5-2001 - ngày tháng nó được hoàn thành.
Khi được huyện đoàn giới thiệu nhà anh Trí để hỗ trợ xây mới, ông Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM - đã đến khảo sát thực tế.
"Nhà anh Trí gợi tôi nhớ về những ngôi nhà tre vách đất thường thấy ở vùng quê khi còn nhỏ. Giờ kinh tế phát triển, người người xây nhà tường, bêtông, không ngờ vẫn còn những ngôi nhà vách đất như thế" - ông Lý chia sẻ.
Ngôi nhà cốt tre vách đất của anh Bà Rá Trí xây dựng từ năm 2001 sẽ được thay bằng ngôi nhà mới từ chính việc góp công của các bạn sinh viên - Ảnh: M.G.
Ban đầu, trường dự định vận động xây một nhà cho anh Trí nhưng đến nơi rồi mới thấy đâu chỉ có nhà anh Trí nghèo.
Vợ chồng anh Bà Râu Út ở thôn Tân Hà cũng dọn từ rừng về ở với bà con chưa lâu lắm. Căn nhà tôn tạm bợ, trống hoác gió lùa. Vậy là ông Lý huy động bạn bè, cán bộ nhân viên của trường để xây thêm một nhà nữa cho anh Út, mỗi ngôi nhà tình bạn tầm khoảng 40 triệu đồng.
Toàn bộ việc thi công hai căn nhà do 22 sinh viên nghề xây dựng của trường thực hiện dưới sự giám sát của trưởng khoa.
Để yên tâm, nhà trường còn cử hẳn một nhân viên ở lại theo dõi và đôn đốc việc xây dựng để cố gắng hoàn thành, trao tặng nhà trước tết.
"Tết là dịp đoàn viên, đón chào những cái mới, niềm vui mới. Việc bàn giao nhà để họ có một cái tết ấm áp, đầy niềm vui sẽ thật ý nghĩa. Một cái bánh, cái kẹo cũng đã khiến mấy đứa nhỏ nơi đây vui lắm" - ông Lý nói thêm.
Thế nên, bên cạnh việc bàn giao nhà, cả trường đang chuẩn bị thêm 481 phần quà sẽ được gửi tặng cho các hộ nghèo của thôn Giá, gồm gạo, đường, lạp xưởng, mắm và dầu ăn. Tết của đất trời, tết của lòng người đang đến rất gần.
Sinh viên thi công được nhiều lợi ích
"Nếu tính tiền công thì đã mất gần 1/3 giá trị căn nhà. Do đó, tôi cho sinh viên đăng ký tham gia và coi đây là một trải nghiệm thực tế, hoạt động xã hội trong quá trình học, vừa biết và thấu hiểu với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Phần kinh phí lẽ ra thuê người xây được đưa vào xây nhà để bà con có được căn nhà tươm tất hơn" - ông Lý chia sẻ thêm.
TTO - Dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ năm nay, nhiều gia đình chính sách được xây mới, sửa nhà với thủ tục nhanh chóng.
Xem thêm: mth.68050509030101202-tet-nod-ahn-oc-pik-nab-ed-nel-yat-hnahn/nv.ertiout