"Cơ hội cho ai" tập 9 đã chứng kiến cuộc tranh luận thú vị giữa hai chàng trai trong lĩnh vực Sales.
Phan Thanh Tùng, 29 tuổi, cử nhân Khoa học Môi trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, có 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh.
Đối thủ của Tùng là Trần Duy Sơn, 26 tuổi, từng học ngành Xã hội học, luật Dân sự tại trường ĐH Tôn Đức Thắng, có 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng, ở vị trí quản lý đội ngũ bán hàng kiêm chuyên viên tư vấn.
Xử lý sao khi Trưởng phòng sai rồi đổ thừa cấp dưới?
Case tình huống đặt ra cho 2 ứng viên là "Yêu cầu của sếp bị trưởng phòng của diễn giải không đúng gây ra hậu quả về công việc, sau trốn tránh đổ lỗi cho cấp dưới. Là nhân viên bị đổ lỗi, bạn có nên trực tiếp gặp sếp hay không?".
Là người đưa ra quan điểm trước, Duy Sơn cho rằng không nên trực tiếp gặp sếp lớn trong tình huống này, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Sơn lý giải đa phần các doanh nghiệp tại Việt Nam đều tổ chức theo cơ cấu phân cấp, trưởng phòng rồi mới đến giám đốc. Nam ứng viên khẳng định việc vượt cấp sẽ ảnh hưởng đến quy trình, đồng thời tạo ra tiền lệ xấu. Ngoài ra, những sự vụ chi tiết chưa chắc sếp trên sẽ tường tận để giải quyết ngay và việc thông tin vượt cấp là không tôn trọng quy định đối với công ty, đối với quản lý trực tiếp.
"Quy định, quy trình tạo nên sức mạnh công ty. Trừ khi có vấn đề gì ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, quyền và lợi ích, uy tín của công ty, hoặc có tình thế cấp bách gây hại, thì mới cần gặp trực tiếp sếp trên", Sơn nêu ý kiến.
Đưa ra một góc nhìn khác với đối thủ, Thanh Tùng cho rằng cần quan tâm đến vấn đề quy trình và đào tạo. Nhân viên và trưởng phòng phải trao đổi trực tiếp với nhau để xem ai đúng ai sai. Và sau khi xác định được giới hạn đúng sai, tôi và anh cùng lên gặp sếp trên để phân xử.
- "Nếu sếp của bạn là người bảo thủ và sợ mất mặt trước nhân viên, không đồng ý với ý kiến của bạn, bạn thấy thế nào?", Sơn chất vấn lại.
- Sếp bảo thủ và sợ mất mặt, thì bạn đã chọn sai sếp rồi. Câu này tôi không trả lời thêm nữa.
- Trong cuộc sống có những tình huống như vậy, tuổi trẻ phải sai làm, không sai lầm thì không phải tuổi trẻ.
- Bạn là một cá thể, còn sếp của bạn là CEO một công ty, đại diện một thương hiệu, thế nên tầm nhìn và khả năng xử lý vấn đề hoàn toàn khác so với cách suy nghĩ của bạn. Bạn lo sợ không dám phản biện, đưa ra ý kiến của mình thì sếp của bạn đã có một nhân viên tồi.
CEO nêu quan điểm: "Nếu muốn sai, hãy làm sếp mà sai!"
Nhận xét về ý kiến cá nhân có phần trái chiều của 2 ứng viên, sếp Lưu Nga (Nhà sáng lập – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Thời trang Elise) nghiêng về phương án mà Duy Sơn đưa ra hơn.
"Tôn trọng sếp trực tiếp là tôn trọng bản thân mình, tôn trọng team của mình. Cố gắng hạn chế tối đa việc gặp sếp bên trên", sếp Nga nêu quan điểm.
"Tôi luôn có quan điểm nếu muốn sai, hãy làm sếp mà sai! Bởi vì trong một hệ thống mà nhân viên không nghe lời sếp thì rất khó để điều hành. Một công ty có quy trình là một công ty thấu hiểu tường tận đến từng nhân viên".
Riêng với Thanh Tùng, sếp Nga cho rằng cá tính mạnh mẽ của anh chàng là một điểm thú vị, tuy nhiên, vẫn nên cố gắng tiết chế để có thể dễ dàng thấu hiểu người đối diện mình.
Kết quả vòng Đối mặt, Duy Sơn giành chiến thắng trước Thanh Tùng với 4/7 bình chọn, trong đó có 3 bình chọn từ các sếp và 1 bình chọn từ khán giả trường quay.
Bước vào vòng 2 – Chinh phục, sếp Lê Đức Thuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc - Bánh Bảo Ngọc) là người đầu tiên đặt câu hỏi để tìm hiểu ứng viên: "Thành tích cao nhất trong quá trình bán hàng của em là gì và em đã làm gì để đạt được thành tích đó?".
Duy Sơn ngay lập tức trình bày, trong 14 tháng làm công việc bán hàng, anh đã có 7 tháng là best-seller của công ty. Ngoài ra, anh cũng nói rõ hơn về sự cộng hưởng của niềm đam mê nghệ thuật đối với công việc bán hàng, đó là sự sáng tạo. Sáng tạo trong sale-phone (Bán hàng qua điện thoại – PV), thuyết phục khách hàng và tìm kiếm khách hàng.
Nam ứng viên cũng bộc bạch về những trăn trở của anh về thành công và đam mê. Sau trải nghiệm từ chính cuộc sống của bản thân, anh cho rằng "Thành công mới tạo ra đam mê". Vì theo anh, xuất phát điểm của đam mê là chính từ 1 việc mà con người làm giỏi nhất. Khi ta làm giỏi, được nhiều người tán đồng, thì ta mới có động lực để tiếp tục theo đuổi, học hỏi, phát triển, từ đó mới có đam mê.
Kết quả của vòng Chinh Phục, Duy Sơn nhận được 4 đèn xanh từ các sếp: Sếp Quyền, sếp Lương, sếp Thuấn và sếp Nga. Nam ứng viên đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng 3 – Cơ hội cho ai.
Mức lương kỳ vọng của Duy Sơn là 17.000.000 đồng. Anh chàng nhận được các lời mời làm việc gồm:
- VNPAY của sếp Lương với mức lương 23.000.000 đồng cho vị trí Nhân viên phát triển điểm chấp nhận thanh toán bằng mã VNPAY QR;
- Bảo Ngọc của sếp Thuấn với mức lương 20.000.000 đồng cho vị trí Trưởng nhóm bán hàng kênh KA miền Nam;
- Thắng Lợi Group của sếp Quyền với mức lương 17.999.999 đồng cho vị trí Trưởng phòng kinh doanh;
- Elise của sếp Nga với mức lương 20.000.000 đồng cho vị trí Giám sát bán hàng khu vực.
Tỏ ra khá đắn đo trước hai mức "chào lương" cùng những hứa hẹn từ sếp Quyền và sếp Nga, Duy Sơn tỏ ra khá khó khăn trong lúc đưa ra quyết định: "Em hay bất kỳ bạn nhân viên Bất động sản nào cũng muốn về với sếp Quyền bởi vì đó là cơ hội tuyệt vời. Tuy nhiên, em còn trẻ và ngay từ mùa 1, em đã xem chị Lưu Nga và thích chị rồi. Chị Lưu Nga đồng cảm với em, em rất thích chị. Tình yêu nghệ thuật của chị rất phù hợp với em, nên em xin phép chọn chị Lưu Nga".
Kết quả chung cuộc, sếp Nga đã giành chiến thắng trước các sếp còn lại để chiêu mộ thành công ứng viên Duy Sơn cho vị trí Giám sát bán hàng khu vực với mức lương 20.000.000 đồng.
Bảo Bảo
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị