Trung úy Phạm Quang Tiến (đồn biên phòng Long Bình - An Phú - An Giang) tuyên truyền dân hai bên vành đai ý thức phòng chống dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: CHÍ CÔNG
Chưa nói tác động của dịch COVID-19, hàng năm, dịp này hàng trăm ngàn lao động từ các quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan, Campuchia... bắt đầu rục rịch về nước bằng đường bộ để đón Tết Nguyên đán.
Tại cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) đến Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị), Đắc Tà Oóc (Quảng Nam) và Bờ Y (Kon Tum), Tân Thanh (Gia Lai)..., rất nhiều đoàn xe chở lao động về nước.
Năm nay, tác động của đại dịch nên dòng người lao động bắt đầu về sớm. Nhiều năm len lỏi trong đoàn người này từ Thái Lan - Lào về Việt Nam nên tôi biết họ là ai. Đó là tiểu thương, thợ hồ, lao động tự do, bưng gánh bán buôn hàng chuyến ngược xuôi ven theo các đô thị nhỏ của nước bạn... gấp rút quay về đất mẹ.
Trong đoàn người quay về không phải ai cũng thành công trong hành trình bôn ba đất khách.
Hùng - dân Đà Nẵng, một người nhiều năm buôn từ văn phòng phẩm, dày dép da đến lốp ôtô tại Vientiane (Lào) - kể với tôi rằng mong mỏi được trở về đất mẹ lúc này gần như là nhiệm vụ cấp bách. Bởi cho dù ở Vientiane gần 20 năm, quen biết cũng không ít người nhưng thật sự khi bị bệnh đến bệnh viện gần như là điều nan giải.
"Bạn đừng cầu mong mình được đối xử tốt như các bệnh viện tại quê nhà, thậm chí bạn còn thấy mình yếu thế trong cả những vấn đề pháp lý có liên quan" - Hùng nói.
Trong khi đó, những lao động tự do người Hà Tĩnh tôi tìm gặp tại vùng đặc khu kinh tế Bo Ten - Bo Keo vùng giáp biên giới Lào - Trung Quốc cho rằng, việc ốm đau bệnh tật hay những việc không may đến với mình chủ yếu dựa vào nhau và tự chữa cho nhau là chính.
Một năm dài làm ăn xa nhà, lao động dù là được bảo hộ hay làm ăn tự do ở xứ người vẫn có những rủi ro, chông chênh hơn những người lao động trong nước. Tại sao nhiều người vẫn mạo hiểm đi đến những nơi thật xa như vùng đặc khu kinh tế Lào - Trung Quốc để tìm việc?
Nhiều người thừa nhận rằng mức độ nặng nhọc trong xây dựng các công trình tại đây và Việt Nam tương đương nhau, nhưng sự chênh lệch tỉ giá đồng tiền giúp họ có thu nhập cao hơn các lao động trong nước. Và các tiểu thương vui vẻ làm ăn xa cũng vì điều này.
Ngược lại, chi phí sinh hoạt bỏ ra không ít, và những đồng bạc ít ỏi cuối năm mang về nhà đều là từ tích cóp, với chính sách tự "thắt lưng buộc bụng" của mỗi người mà có.
Chúng ta thấy có hàng trăm người vượt biên trái phép mỗi ngày qua biên giới bị các cơ quan chức năng phát hiện. Vậy làm sao để người dân không phải trốn cách ly, vượt rừng bằng đường mòn về nước cho bằng được và tìm cách trốn cách ly? Làm sao những người lao động nghèo không phải tốn chi phí cách ly và mất 14 ngày lao động trong những ngày giáp tết?
Chưa nói dòng người về nước trước tết và đặc biệt là việc dịch bệnh ở các quốc gia lân cận đang bùng phát mạnh.
Đã đến lúc Nhà nước cần có một chính sách hỗ trợ cho người lao động về nước để họ không phải trốn cách ly vì sợ mất tiền, mất ngày công lao động.
Chi phí cho một bệnh nhân và hỗ trợ cho một lao động chắc chắn không nhiều bằng cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy lùi dịch bệnh khi nó bùng phát.
Ngân sách quốc gia dù rất khó khăn giữa thời dịch bệnh, việc hỗ trợ cho người lao động về nước để được cách ly, mang đến an toàn cho đất nước cũng là điều cần thiết và nhân văn.
TTO - Ngày đầu tiên của năm mới 2021, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận 9 ca mắc COVID-19 mới, từ nước ngoài về. Ngày 4-1 tới, 5 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải và LĐ-TB&XH sẽ bắt đầu kiểm tra cách ly.
Xem thêm: mth.12893228040101202-gnud-aig-nohc-nac-yl-hcac-nort-nagn/nv.ertiout