Ngày 8-3, Lầu Năm Góc đã từ chối đề xuất của Ba Lan về việc gửi máy bay chiến đấu MiG-29 đến Ukraine. Đây là lần hiếm hoi các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho thấy sự bất đồng ý kiến trong mục tiêu vừa hỗ trợ Ukraine, vừa tránh bị kéo vào xung đột trực tiếp với Nga, theo hãng tin AP.
Cụ thể, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Ba Lan trước đó đã đề xuất rằng nước này sẽ chuyển các máy bay phản lực đến Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ ở Đức. Và từ đây, Mỹ có toàn quyền quyết định có chuyển các máy bay này đến Ukraine hay không, cũng như chuyển bằng cách nào.
Ba Lan cũng đã đề nghị các thành viên NATO khác có hành động tương tự.
Một máy bay chiến đấu MiG-29 của Không quân Ba Lan, bên phải và một máy bay phản lực Eurofighter Typhoon của Ý trong một cuộc tuần tra chung. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, việc một máy bay xuất phát từ một căn cứ quân sự của Mỹ hoặc NATO trước khi bay vào không phận của Ukraine làm dấy lên lo ngại sẽ kích động một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Ba Lan và các đồng minh NATO khác của chúng tôi về vấn đề này, cũng như những khó khăn về hậu cần mà nó đặt ra. Tuy nhiên, chúng tôi không tin rằng đề xuất của Ba Lan là một đề xuất hợp lý, ông Kirby cho biết.
Theo phía Mỹ, bất kỳ quyết định cung cấp máy bay MiG nào cũng sẽ là động lực khích lệ tinh thần cho Ukraine khi các cuộc tấn công của Nga vào các thành phố của nước này làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo, song nó cũng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn.
Việc chuyển giao các máy bay MiG cho Kiev là rất phức tạp vì cả NATO và Liên minh châu Âu đều không muốn bị coi là trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột Nga-Ukraine. Mỹ cũng không có kế hoạch chuyển trực tiếp các máy bay cho Ukraine.