Luật sư tư vấn
Theo Luật Quốc tịch Nhật Bản, nếu người nước ngoài muốn nhập quốc tịch nước này phải từ bỏ quốc tịch gốc. Tuy nhiên, Nhật Bản theo nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo, nên vẫn có những trường hợp được xem xét để được phép giữ quốc tịch gốc khi nhập quốc tịch nước ngoài. Song điều kiện để người nước ngoài nhập quốc tịch Nhật Bản mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài vô cùng khắt khe và chặt chẽ.
Luật Quốc tịch Việt Nam cũng theo nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo được thể hiện tại Điều 4 Luật Quốc tịch 2008 như sau: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác".
Về bản chất, nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo không loại trừ khả năng một người có thể có hai hoặc nhiều quốc tịch.
Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 cũng thừa nhận những trường hợp ngoại lệ cho phép công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với các quy định như sau: trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép; người xin trở lại quốc tịch Việt Nam; trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận nuôi thì không đương nhiên mất quốc tịch gốc; trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận là con nuôi sẽ vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài.
Công dân Việt Nam vẫn có thể xin quốc tịch quốc gia khác mà không đương nhiên mất quốc tịch gốc nếu quốc gia đó không bắt thôi quốc tịch Việt Nam.
Nhật Bản và luật Việt Nam đều theo nguyên tắc một quốc tịch nên để được có hai quốc tịch của hai quốc gia này cùng lúc phải đáp ứng được các điều kiện như phân tích nêu trên. Trong khi đó, có thể thấy con của bạn do mới sinh, rất khó có thể đáp ứng điều kiện để được hai quốc tịch của hai quốc gia cùng lúc nên gia đình chỉ có thể chọn một quốc tịch cho bé khi bé sinh ra.
Đăng ký khai sinh tại Việt Nam
Theo khoản 2 Điều 35 Luật Hộ tịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong trường hợp trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam. Đối chiếu với quy định này, bạn muốn đăng ký khai sinh cho bé tại Việt Nam có thể đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của bạn tại Việt Nam để đăng ký khai sinh cho bé.
Hồ sơ đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam hoặc cha và mẹ đều là công dân Việt Nam, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, về cư trú tại Việt Nam được quy định tại Điều 7 Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch như sau:
- Giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp và cư trú tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP gồm: giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam (như: hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam.
- Việc xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em khi đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam về quốc tịch.
Bên cạnh đó, cũng theo quy định tại Điều 7 này, trường hợp cha, mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con khi đăng ký khai sinh, ngoài văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch còn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà trẻ được chọn mang quốc tịch về việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định pháp luật của nước đó. Nếu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không xác nhận thì cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ, nhưng để trống phần ghi về quốc tịch trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội.
Xem thêm: lmth.3125124-man-teiv-o-hnis-iahk-yk-gnad-coud-oc-iaogn-coun-o-hnis-noc/ten.sserpxenv