Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: baochinhphu
Bên cạnh cuộc khủng hoảng y tế, thiệt hại nhân mạng, năm 2020 cũng chứng kiến dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) tàn phá thành tựu kinh tế các nước.
Nhưng trong khi đa phần các nền kinh tế khu vực tăng trưởng âm, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng về khả năng chịu đựng và phục hồi.
Tổng cục Thống kê Việt Nam cuối năm công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam quý thứ tư ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đưa tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2020 tăng 2,91%. Đây là con số tương đương ước tính của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Nhận xét về năm 2020, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng trong một thời gian đầy biến động và sóng gió, kinh tế thế giới cũng như liên kết kinh tế quốc tế đã diễn biến rất phức tạp. Nhưng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, là điểm sáng trong công tác đối ngoại.
Trả lời phóng viên ngày 4-1 về định hướng hội nhập kinh tế của của Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn cho biết, để tận dụng và phát huy hơn nữa những thành tựu hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua, nâng tầm sự tham gia, đóng góp và vai trò của Việt Nam, Việt Nam cần tập trung vào 3 điểm:
Việt Nam sẽ dành ưu tiên hàng đầu thực thi hiệu quả các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), và tại các cơ chế hợp tác kinh tế khác mà Việt Nam đang là thành viên.
"Việc thực thi cam kết trong môi trường quốc tế biến động, cạnh tranh gay gắt đặt chúng ta trước nhiều vấn đề mới, phức tạp có thể phát sinh, như tranh chấp thương mại, đầu tư, công nghệ, các vấn đề liên quan đến lao động, môi trường…, đòi hỏi chúng ta phải nắm chắc quy định quốc tế và trong nước, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, từ trung ương, đến địa phương để xử lý phù hợp và hiệu quả", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Thứ hai, theo ông, Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện, mở rộng mạng lưới liên kết, hội nhập kinh tế song phương và đa phương với các đối tác và tổ chức trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của liên kết kinh tế tầm toàn cầu. Đây là hướng đi "phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta".
Điểm thứ ba, Thứ trưởng khẳng định Việt Nam cần nỗ lực và chủ động tham gia quá trình định hình cấu trúc khu vực, xây dựng các khuôn khổ, quy định quản trị kinh tế ở tầm khu vực, liên khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ tích cực "đóng góp hiệu quả, trách nhiệm vào giải quyết những vấn đề chung, nhất là bảo đảm hệ thống thương mại đa phương tự do, mở và dựa trên luật lệ, cải cách WTO, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm…. Cần chủ động tham gia xây dựng các khuôn khổ, quy định quốc tế về quản trị kinh tế số và chuyển đổi số, trên cơ sở phù hợp với lợi ích của ta. Tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương 'tham gia định hình các thể chế đa phương' và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương".
Trong năm 2020, nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã chứng kiến một số thành quả đáng chú ý, đơn cử là việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, đưa hiệp định vào thực thi từ ngày 1-8-2020.
"Kết quả thực thi FTA Việt Nam - EU trong gần 5 tháng qua bước đầu cho thấy lợi ích quan trọng, góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trong năm nay, đạt mức hơn 540 tỉ USD, trong đó xuất siêu hơn 19 tỉ USD", ông Bùi Thanh Sơn cho biết.
Trong giai đoạn cuối năm, Việt Nam cũng đã ký FTA với Anh, sau khi đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 ở Hà Nội.
TTO - Việt Nam duy trì đối thoại và tham vấn với Mỹ để xử lý vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định chiều 17-12 trước thông tin Mỹ cho rằng Việt Nam “thao túng tiền tệ”.