- Điện ảnh Việt "đặt niềm tin" vào những gương mặt mới
- Điện ảnh Việt thiếu kịch bản: Vẫn câu chuyện dài và... nhiều tập!
Đầu năm ảm đạm
Nhiều năm qua, với sự bùng phát của các hệ thống rạp chiếu phim và sự đổ bộ của phim nước ngoài, chúng ta luôn lo lắng khi thị phần phim Việt ngày càng bị thu hẹp và lép vế. Năm 2020, điện ảnh thế giới, đặc biệt điện ảnh Hollywood bị ngưng trệ do dịch COVID-19, điện ảnh Việt 2020 cũng không mấy khả quan.
Đầu tiên phải nói đến đó là câu chuyện doanh thu. Tại Việt Nam tính đến thời điểm cuối năm 2020, “rạp mở cửa trở lại nhưng chưa thể phục hồi” là nhận định chung từ đại diện các cụm rạp CGV, Galaxy Cinema, Lotte Cinema và BHD khi nói về thị trường ngành chiếu phim. Doanh thu của toàn ngành giảm 70-80% so với năm ngoái. Ngay trong những tháng cuối năm, khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam nhưng lượng vé bán ra vẫn giảm 65% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ lấp đầy rạp cũng chỉ trên dưới 10%, giảm 70-80% so với trước đây. Lượng khách đến rạp vẫn giảm mạnh so với trước dịch bệnh. Một lý do khác, do phim ngoại không có, phim Việt chưa đủ sức hấp dẫn để kéo khán giả đến rạp. Những bộ phim “cứu cánh” cho điện ảnh Việt không nhiều.
Thực tế, các nhà làm phim và khán giả kỳ vọng hơn thế khi đầu năm 2020, phim Tết ra mắt khá đông đảo và đa dạng về nội dung, hứa hẹn một năm bùng nổ. Có thể thấy, mùa phim Tết 2020 tuy không thành công vang dội nhưng đã mang đến cho khán giả rất nhiều thể nghiệm điện ảnh mới. Không chỉ đơn thuần là những bộ phim hài đánh vào tâm lý của khán giả ngày Tết - dễ tính và cần sự giải trí, phim ảnh đầu năm 2020 còn mạnh dạn khai thác nhiều thể loại khác nhau, từ viễn tưởng, vòng lặp thời gian đến cuộc sống của giới siêu giàu và đặc biệt là kinh dị - thể loại mà ít người nghĩ nó lại được phát hành vào mùa Tết. Trong khi “Đôi mắt âm dương” là một bộ phim an toàn, dễ xem, “30 chưa phải Tết” gây nhiều tranh cãi thì “Gái già lắm chiêu 3” lại bùng nổ về mặt doanh thu khi thu về 168 tỷ đồng.
Đáng tiếc, qua Tết chưa lâu thì thị trường điện ảnh bị đóng băng do dịch COVID-19. Bộ phim “Bí mật của gió” đã họp báo hai miền, dư luận khá tốt buộc phải lùi lịch chiếu đến tận cuối năm, khi đó sức nóng của truyền thông không còn. Vẫn có những bộ phim cố gắng ra rạp như “Sắc đẹp dối trá”, “Truyền thuyết về quán Tiên”, “Cuốc xe nửa đêm” nhưng không có phim nào được đánh giá cao về nội dung cũng như chất lượng nghệ thuật. Từ tháng 2 đến tháng 9, phim Việt gần như bị chững lại, các rạp chiếu phim thấp thỏm đóng – mở theo diễn biến của dịch bệnh.
Cận cảnh áo mũ gây tranh cãi của Thanh Hằng. |
Nỗ lực vực lại doanh thu phòng vé
Tháng 9, các phòng vé mới thực sự hồi sinh trở lại và phim “Ròm” được gánh trọng trách hâm nóng thị trường điện ảnh hậu COVID. Nhiều người kỳ vọng, “Ròm” sẽ là điểm sáng để giải cứu điện ảnh Việt sau một thời gian đình trệ do dịch bệnh. Quả thật, “Ròm” đã thu hút được một lượng khán giả đển rạp khá lớn, doanh thu của một bộ phim sau 10 ngày công chiếu đạt 55 tỷ đồng, con số mơ ước của rất nhiều nhà làm phim độc lập. Tất nhiên, có rất nhiều lý do khiến “Ròm” gây cơn sốt, lý do thứ nhất là khán giả tò mò vì một bộ phim đạt giải thưởng tại Liên hoan phim Busan, bị Cục Điện ảnh cấm chiếu vì đi “thi chui”. “Ròm” có hành trình làm phim 10 năm đầy đam mê, có sự góp mặt của rapper Wowy nổi tiếng nhờ Gameshow Rap Việt, tất cả đã góp phần làm nên sự thành công về doanh thu đối với một phim độc lập. Nhưng “Ròm” cũng gây chia rẽ khán giả” vì thái độ khen, chê rõ rệt. Rõ ràng “Ròm” đã lấy lại niềm tin về khán giả cho các nhà làm phim độc lập và hoàn thành sứ mệnh của mình, hâm nóng lại nền điện ảnh sau thời gian dài đình trệ do dịch bệnh.
Sau “Ròm”, một hiện tượng làm nên điểm sáng của điện ảnh Việt 2020 là “Tiệc trăng máu” mang về doanh thu 175 tỷ đồng. Nếu “Ròm” chỉ gây sốt trong một tuần đầu thì “Tiệc trăng máu” là tác phẩm đủ sức chạy đường dài và lọt vào top 3 những phim Việt Nam có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt. “Tiệc trăng máu”, với những thành tích quá ấn tượng đã tạo động lực cho nhiều phim nối đuôi nhau ra rạp.
Cảnh trong “Tiệc trăng máu”. |
Nhìn lại những bộ phim trong 3 tháng cuối năm, tuy số lượng không nhiều nhưng chủ đề khá đa dạng. Từ drama ngoại tình đến đồng tính, chuyển giới và cả hành động kịch tính (“Chồng người ta”, “Chị mười ba 2”)… Tuy nhiên, tất cả những tác phẩm này đều gây ra tranh cãi về mặt chất lượng, kể cả “Chị Mười ba 2”- bộ phim đang oanh tạc phòng vé lúc này cũng gặp phải tình trạng khiến khán giả chia phe khen, chê.
Điều khán giả và giới làm nghề trông chờ chính là phim Tết 2021. Nếu phim Tết 2020 nhạt nhòa và không đạt doanh thu như kỳ vọng thì phim Tết 2021 được chờ đón với các tựa phim nặng ký như “Bố già”, “Trạng Tí” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, “Lật mặt: 48 giờ” của Lý Hải và “Gái già lắm chiêu V” có Kaity Nguyễn trở thành gương mặt mới, đầy triển vọng. Phim Tết, một lần nữa lại được đặt hy vọng sẽ kéo khán giả đến rạp và tạo đà cho thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển trong năm 2021.
“Thời điểm cuối năm này là một cơ hội cho phim Việt khi nhiều phim của Hollywood dời lịch sang năm 2021. Vì thế, khán giả sẽ lựa chọn phim Việt, chúng ta cần tranh thủ cơ hội này để kéo khán giả đến rạp và lấy lại thị phần cho phim Việt. Điều quan trọng bây giờ là chất lượng của phim nội địa thế nào. Nếu chúng ta làm tốt trong mùa phim Tết này, chắc chắn cơ hội cho phim Việt trong năm 2021 sẽ còn rất nhiều”, đạo diễn Nhuệ Giang chia sẻ.
Không tính đến bài toán doanh thu, năm 2020 cũng chứng kiến 2 bộ phim tài liệu với nội dung, hình ảnh, âm thanh giàu cảm xúc - “Đoạn trường vinh hoa” được làm theo lối điện ảnh trực tiếp, kể câu chuyện mưu sinh và theo đuổi đam mê của một gánh hát tuồng cổ ở miền Tây và “Màu cỏ úa” về nhạc sỹ Trần Tiến được nhiều thế hệ yêu mến.
Chó Nhật được sử dụng trong phim “Cậu vàng”. |
Những chuyện lùm xùm
Năm nào cũng vậy, điện ảnh Việt dường như chưa đủ lớn để thoát khỏi những chuyện lùm xùm không đáng có. Năm 2020, dù không nhiều phim ra rạp nhưng những cái án vẫn treo lơ lửng.
Hai bộ phim chuyển thể từ kịch bản văn học là “Cậu vàng” và “Trạng Tí” được khán giả chờ đợi đều vướng phải những vấn đề không đáng có. Trong trailer giới thiệu, “Cậu Vàng”- một câu chuyện về nông thôn Việt Nam nhưng đạo diễn lại dùng chó Nhật. Không biết lý giải thế nào cho sai sót có thể coi là “ngớ ngẩn” này của đạo diễn và ê kíp làm phim. Còn “Trạng Tí”- bộ phim được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật đang vướng chuyện lùm xùm liên quan tới bản quyền bộ truyện “Thần đồng đất Việt” và họa sĩ, tác giả Lê Linh.
Vấn đề phục trang cũng gây tranh cãi trong các bộ phim lịch sử Việt trong năm 2020. Đầu tiên với bộ phim dã sử “Quỳnh Hoa nhất dạ” của Thanh Hằng. Ngay từ khi công bố poster đầu tiên, phim đã gây ra tranh cãi về vấn đề phục trang nhân vật. Theo ý kiến của nhiều khán giả, nữ chính Thanh Hằng diện bộ trang phục được có hơi hướng cung đình Mãn Thanh, từ màu sắc đến kiểu dáng, họa tiết, nhìn khá xa lạ so với trang phục cung đình Việt. Đồng ý là phim dã sử thì có quyền sáng tạo nhưng việc sử dụng một bộ trang phục có yếu tố Mãn Thanh là điều không thể chấp nhận được. Phim “Kiều”, cũng vướng vào câu chuyện trang phục khi những bộ quần áo của các nhân vật không thực sự thuần Việt mà vay mượn từ nước ngoài.
Năm 2020 khép lại một năm nhiều cảm xúc của phim Việt. Dù còn đó nhiều hạn chế, nhưng hy vọng cùng với nỗ lực của các nhà làm phim, phim Việt sẽ có những bứt phá ngoạn mục trong năm 2021.
Lan Tường