Sáng 5-1, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội được đo và cập nhật trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Thành phố Hà Nội nêu rõ chất lượng không khí lên tới mức "Rất xấu", khuyến cáo hạn chế hoạt động ngoài trời - Ảnh: XUÂN LONG
Lúc 7h15 sáng 5-1, trên hệ thống cảm biến chất lượng không khí PAM Air tại khu vực Hà Nội, các điểm đo phổ biến hai màu tím và nâu, tượng trưng cho chất lượng không khí ở mức "Rất xấu" và "Nguy hại".
Cùng thời điểm, tại các điểm quan trắc cố định về chất lượng môi trường của Sở Tài nguyên-môi trường Hà Nội cũng cho chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 240, mức "Rất xấu" khiến mọi người đều bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn.
Chỉ số AQI ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội cũng ở mức "Xấu", trong đó các khu vực Minh Khai, Trung Hòa-Cầu Giấy, 57 Trần Hưng Đạo, Pháp Vân-Tứ Hiệp… đều có chỉ số chất lượng không khí ở mức "Rất Xấu".
Tại điểm quan trắc cố định 556 Nguyễn Văn Cừ thuộc Trung tâm Quan trắc của Tổng cục Môi trường, chất lượng không khí ở Hà Nội cũng ở mức "Xấu".
Theo Tổng cục Môi trường, khi chất lượng không khí ở mức "Xấu" và "Rất xấu", những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ em, những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch có thể gặp những vẫn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Còn theo Sở Tài nguyên-môi trường Hà Nội, trong ngày 4-1, chỉ số AQI tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội cũng đều ở mức "Xấu" và "Kém".
Với chỉ số chất lượng không khí ở mức "Xấu" và "Kém" trong ngày 4-1, Sở Tài nguyên-môi trường Hà Nội đã khuyến cáo những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏ, những nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông, cần tuân thủ luật để hạn chế ùn tắc đường, khuyến cáo tăng cường điều tiết giao thông tại một số khu vực như Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu. Còn với khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, với tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tiếp tục tăng lên trong sáng ngày 5-1, ngoài các khuyến cáo nêu trên, Sở Tài nguyên-môi trường Hà Nội khuyến cáo "Hạn chế hoạt động ngoài trời".
Ngoài ra, các chuyên gia môi trường cũng khuyến cáo, khi tham gia giao thông, người dân cần sử dụng khẩu trang và cả kính chống bụi.
Trước đó, ngày 30-12-2020, Bộ Tài nguyên-môi trường đã công bố nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi trong giai đoạn giao mùa.
TTO - Nhận định mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP.HCM có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe, Bộ Tài nguyên - môi trường chỉ rõ nguyên nhân chính do bụi, khí thải giao thông, chất thải xây dựng, công nghiệp chưa được kiểm soát.
Xem thêm: mth.10584157050101202-eohk-cus-gnort-meihgn-gnouh-hna-gnougn-iot-ihk-gnohk-meihn-o-ion-ah/nv.ertiout