- Sơ kết giao ước thi đua giữa Công an quận Hoàng Mai và Công an quận 10
- Hà Nội kỷ luật 2 cán bộ quận Hoàng Mai liên quan đến vi phạm xây dựng
Ngày 5/1, tại buổi làm việc với quận Hoàng Mai về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh quận Hoàng Mai với lợi thế hiện có phải hiện thực hóa khát vọng, phấn đấu để trở thành một “cực tăng trưởng," trở thành động lực lan tỏa kéo khu vực phía Nam Thủ đô phát triển theo.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, quận Hoàng Mai hầu như không có hạ tầng giao thông khung, hiện nay mới đạt tỷ lệ 2km đường giao thông/km2 (tiêu chuẩn là 10km đường giao thông/km2). Nguyên nhân chính là vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyễn Phong cũng khẳng định, chỉ có tập trung đầu tư phát triển giao thông để tháo gỡ khó khăn hạ tầng hiện nay, quận Hoàng Mai mới có thể “cất cánh”. Ngoài ra, Khu B Công viên Yên Sở với diện tích 125ha (được phê duyệt quy hoạch 1/500 vào tháng 5-2020) là dự án có tính động lực cần được tập trung đầu tư.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, quận Hoàng Mai phải tập trung phát triển thương mại, dịch vụ; trước hết là tập trung cho dự án Trung tâm thương mại Aeon ở khu Giáp Bát là dự án có tính động lực.
Kiến nghị với TP 6 nhóm lĩnh vực, Bí thư Quận ủy Nguyễn Quang Hiếu đề nghị, TP chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng bãi phân khu đô thị sông Hồng trong đó có các phường của quận Hoàng Mai (phường Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở, Thanh Trì) với mục tiêu giữ lại khu vực làng xóm hiện hữu, đầu tư xây dựng hạ tầng theo hướng đô thị sinh thái.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu quận Hoàng Mai hành động quyết liệt, xác định rõ phương hướng, mục tiêu và diện mạo của quận trong 3 năm tới. |
Hiện trên địa bàn quận Hoàng Mai có nhiều đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 các khu đô thị trong giai đoạn 1996-2014 (khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm, khu Bắc Linh Đàm, khu đô thị mới Pháp Vân-Tứ Hiệp...) cho đến nay không còn phù hợp với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc so với quy hoạch phân khu H2-3 và H2-4 về mật độ xây dựng, tầng cao công trình. Do đó, quận Hoàng Mai đề nghị TP chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án cho phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu để tiếp tục triển khai dự án.
Ngoài ra, quận Hoàng Mai đề nghị TP giao cho quận làm chủ đầu tư thực hiện một loạt các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, bằng nguồn vốn ngân sách của quận; đồng thời, thành phố bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đối với các dự án theo tiến độ thực hiện.
Bên cạnh đó, quận Hoàng Mai kiến nghị TP chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu làm việc với Bộ Xây dựng để sớm điều chỉnh các quy định còn bất cập liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư, để ổn định đời sống dân sinh.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, quận Hoàng Mai có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nhưng quận còn rất nhiều việc phải làm vì trên các lĩnh vực đều còn những hạn chế tồn tại, nhất là hạ tầng còn nhiều bất cập, lạc hậu, manh mún; đô thị phát triển nhưng chưa gắn với kinh tế đô thị; thương mại dịch vụ còn manh mún...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu quận Hoàng Mai phải có kế hoạch hành động rất quyết liệt, xác định rõ phương hướng, mục tiêu và diện mạo của quận trong 3 năm tới (đến mốc kỷ niệm 20 năm thành lập quận), 10 năm và 25 năm tới. Quận phải lên danh sách những dự án mang tính động lực như các dự án giao thông, Khu đô thị Gamuda, Khu B Công viên Yên Sở; tháo gỡ vướng mắc trong việc di dời Bến xe phía Nam; phối hợp cùng các chủ đầu tư rà soát điều chỉnh bất cập về quy hoạch 1/500 các khu đô thị...
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng gợi mở quận phải coi giải phóng mặt bằng là khâu đột phá; đăng ký với TP là đơn vị đầu tiên thí điểm quy trình giải phóng mặt bằng rút gọn mà Thủ tướng Chính phủ đã cho phép; đăng ký xây dựng mô hình một khu đô thị văn minh và mô hình đội quản lý trật tự xây dựng kiểu mẫu của TP; tập trung phát triển thương mại, dịch vụ nói riêng và kinh tế đô thị nói chung để nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn.