Kiểm toán Nhà nước xử lý tài chính hơn 60.000 tỉ đồng
Hoàng Thắng
(TBKTSG Online) - Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 174 cuộc kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 60.035 tỉ đồng trong năm 2020.
Toàn cảnh Hội nghị triển khai công tác năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước. |
Lỗ hổng trong công tác quản lý tài chính công đoàn, hợp đồng BT
Sáng 5-1, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2021. Ông Nguyễn Quang Thành - Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết cơ quan này đã thực hiện 174 cuộc kiểm toán với kết quả xử lý tài chính là 60.035 tỉ đồng tính tới 4-1-2021, gồm: tăng thu ngân sách nhà nước 4.965 tỉ đồng, giảm chi ngân sách gần 13.836 tỉ đồng, kiến nghị khác hơn 41.234 tỉ đồng.
Ngoài ra, cơ quan kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập, gồm: cơ chế quản lý và sử dụng nguồn tích lũy tài chính công đoàn, thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Cụ thể, với việc quản lý và sử dụng nguồn tích lũy tài chính công đoàn, cơ quan kiểm toán xác định nguồn tích lũy tài chính công đoàn của tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã không được sử dụng hiệu quả, còn nguồn chi cho hoạt động công đoàn hạn chế đã dẫn tới sự giảm sút về hiệu lực quản lý và điều hành.
Riêng các khoản vay đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư mua cổ phần, góp vốn đầu tư của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được cơ quan kiểm toán nhận xét là không đúng quy định Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn.
Ngoài ra, việc cơ quan này bỏ vốn mua cổ phần nhưng thiếu cơ chế, cơ sở ràng buộc pháp lý, thiếu sự giám sát và việc cho vay xây dựng trụ sở kéo dài qua nhiều năm cũng bị Kiểm toán Nhà nước đánh giá là dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn ở nguồn tài chính công đoàn.
Với việc thực hiện hợp đồng BT, Kiểm toán Nhà nước xác định ba dự án BT ở Thủ Thiêm (TPHCM), gồm: dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc, dự án cầu Thủ Thiêm 2, dự án đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính có chất lượng lập tổng mức đầu tư tại chưa tốt khi các bên có liên quan không sử dụng các khoản chi phí dự phòng trượt giá, dự phòng chênh lệch mức lương và chi phí lãi vay. Ngoài ra, việc xác định giá trị dự toán của ba dự án chưa chính xác.
Vì vậy cơ quan này đã kiến nghị điều chỉnh giảm dự toán tại ba dự án với giá trị là 244,3 tỉ đồng, xử lý tài chính và xử lý khác với giá trị lên tới 663,2 tỉ đồng.
Chuyển cơ quan điều tra làm rõ hành vi chuyển giá, trốn thuế
Kiểm toán Nhà nước phát hiện và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra các cấp để điều tra, làm rõ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong năm 2020.
Với hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL, Kiểm toán Nhà nước xác định ông Nguyễn Tài có dấu hiệu chuyển nhượng vốn 75% vốn của mình tại Công ty PTL cho Công ty TNHH Praise Trend với giá chuyển nhượng thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị thực tế của tài sản chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng vốn là ngày 16-1-2017.
Cụ thể, giá trị thực tế của 22,5 tỉ đồng vốn góp ban đầu của ông Nguyễn Tài khi chuyển nhượng cho Công ty Praise Trend là 420,9 tỉ đồng. Áp dụng theo biểu thuế toàn phần với thuế suất 20%, cơ quan kiểm toán xác định số thuế thu nhập phải nộp đối với hoạt động chuyển nhượng 75% vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn là hơn 79,6 tỉ đồng.
“Sau khi trừ số thuế thu nhập cá nhân đã được Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu xác định và truy thu 400 triệu đồng, số thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn của ông Nguyễn Tài cần phải truy thu thêm là hơn 79,2 tỷ đồng”, Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Bên ngoài khuôn viên Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu. Ảnh: Kiểm toán Nhà nước cung cấp |
Liên quan đến dấu hiệu chuyển giá, cơ quan kiểm toán cho biết Công ty PTL đã ký hợp đồng cho Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu, thuê kho bãi để chứa nhôm nguyên liệu với mức giá bình quân cho các năm là 7,2 Đô-la Mỹ mỗi mét vuông một tháng. Số tiền mà Công ty PTL thu về từ Công ty Nhôm Toàn Cầu qua hoạt động thuê kho bãi là 3.404 tỉ đồng trong giai đoạn 2015 - 2019.
Theo kiểm toán Nhà nước, mức giá thuê kho bãi giữa Công ty PTL và Công ty Nhôm Toàn Cầu cao hơn 7 lần so với giá Công ty PTL thuê kho bãi của Công ty cổ phần Thành Chí và gấp 4,7 lần giá Công ty PTL thuê của Công ty cổ phần Cảng Tổng hợp Thị Vải.
Vì vậy, cơ quan kiểm toán xác định Công ty Nhôm Toàn Cầu đã chuyển giá sang Công ty PTL tổng số tiền ít nhất khoảng 2.680 tỷ đồng thông qua việc nâng giá thuê kho bãi một cách bất hợp lý - bằng 78,72% tổng số tiền thuê kho bãi giai đoạn 2015-2019.
"Số tiền chuyển giá này về nguyên tắc sẽ làm tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của Công ty Nhôm Toàn Cầu hoặc làm tăng số chuyển lỗ để bù đắp thu nhập chịu thuế các năm sau của Công ty", Kiểm toán Nhà nước phân tích.
Hồ sơ hai vụ việc này đã được cơ quan kiểm toán chuyển đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C03) của Bộ Công an.
Với ba vụ việc gồm: dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375m2 đất tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng của doanh nghiệp Đa Phước; vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH MTV Cao su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước, cơ quan kiểm toán cho biết hồ sơ của của mỗi việc đã lần lượt được chuyển cho Công an thành phố Đà Nẵng và cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Phước.
Xem thêm: lmth.gnod-it-00006-noh-hnihc-iat-yl-ux-coun-ahn-naot-meik/404213/nv.semitnogiaseht.www