Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Tổng cục thuế đưa ra khỏi ngành những cán bộ thuế hư hỏng, nhũng nhiễu doanh nghiệp - Ảnh PHẠM TUẤN
Ghi nhận những nỗ lực của ngành thuế trong thu ngân sách, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện miễn, giảm, gia hạn tiền thuế năm 2020… song, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình lo ngại một số tồn tại của ngành thuế.
Loại bỏ công chức thuế hư hỏng ra khỏi ngành
Cụ thể, phó thủ tướng cho rằng vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, người nộp thuế. Cá biệt, có một số trường hợp, vụ việc xử lý kéo dài qua nhiều năm, không được xử lý dứt điểm gây bức xúc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam và phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng xử lý. Kỷ luật kỷ cương ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý.
Để giảm thiểu khối lượng công việc đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng, ông Trương Hòa Bình chỉ đạo cơ quan thuế phải tích cực đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để tìm giải pháp xử lý dứt điểm, thấu đáo. Không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", quyết tâm phòng chống "virus trì trệ".
Phó thủ tướng nói thêm có tình trạng một số cán bộ thuế còn nhũng nhiễu, thờ ơ, chưa mạnh dạn đề xuất tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Để ngăn chặn tình trạng này, ông giao một trong những nhiệm vụ của năm 2021 mà ngành thuế phải có giải pháp để chấm dứt tình trạng này. "Thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất"- phó thủ tướng nói.
Tiếp tục đề xuất giảm thuế, phí, lệ phí
Theo phó thủ tướng, dự báo thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Đại dịch COVID-19 vẫn chưa thể được ngăn chặn một sớm, một chiều, thế giới đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt, cả về y tế, kinh tế, xã hội.
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn với hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành thuế cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất miễn, giảm thuế, giãn thuế. Tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập, nhất là trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2021, ngành thuế cần tiếp tục xây dựng chính sách lấy người nộp thuế là trung tâm và là đối tượng phục vụ. Xây dựng chính sách phải chú trọng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, tránh thất thu, thu sót, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam.
Ngành thuế phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa theo hướng điện tử hóa, số hóa quản lý thuế, cắt giảm thủ tục hành chính thuế nhằm giảm thiểu những phiền hà, khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn, chưa kiểm soát được nguồn tiền và thu nhập. Tiến tới thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
Thu thuế: Không được ép doanh nghiệp
Tiếp thu chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính - yêu cầu trong năm nay ngành thuế thu đúng, thu đủ, theo đúng quy định, không được ép doanh nghiệp.
Để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhất là những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ông Dũng cho biết Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí và lệ phí đã triển khai năm 2020 tiếp tục thực hiện trong năm 2021. Đặc biệt ngành tài chính xem xét các cơ chế, chính sách thiết thực hơn nhằm hỗ trợ cho hộ kinh doanh trong ngành, lĩnh vực như du lịch, thương mại bị thiệt hại nặng nề do đại dịch.
TTO - Công an tỉnh Đắk Nông vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam một phó đội trưởng Chi cục Thuế Gia Nghĩa - Đắk G’long vòi 15 triệu đồng của chủ tiệm tạp hóa.
Xem thêm: mth.62324517150101202-peihgn-hnaod-ueihn-gnuhn-gnoh-uh-euht-ob-nac-hnagn-iohk-ar-aud/nv.ertiout