Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - TS Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ với Lao Động về cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại.
Thưa bà, năm 2020, hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTAs) được ký kết, trong đó những hiệp định lớn như EVFTA, RCEP, UKVFTA... được coi là "đòn bẩy" để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam bật tăng trong năm 2021. Để đáp ứng các FTAs này, Chính phủ và các bộ, ngành cần hỗ trợ gì để doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội?
- TS Nguyễn Thị Thu Trang: Tính tới đầu năm 2021 này, chúng ta đã có 14 Hiệp định (FTA) có hiệu lực, cho phép kết nối Việt Nam với 52 đối tác, trong đó có những đối tác thương mại hàng đầu. Với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, lợi ích xuất khẩu từ các FTA là dễ đo đếm nhất, và cũng được quan tâm hàng đầu. Nhưng những kỳ vọng từ các FTA này không chỉ dừng lại ở đó.
Trên thực tế, cơ hội từ nhập khẩu hàng hóa, mở cửa cạnh tranh cho nhiều ngành dịch vụ, thu hút đầu tư, hoàn thiện thể chế và phát triển bền vững cũng rất đáng kể, đặc biệt là từ các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA.
Mỗi cơ hội từ các FTA đều đi kèm điều kiện cụ thể. Đồng thời, có những yêu cầu khác không nằm trong các FTA nhưng không thể bỏ qua. Ví dụ, để hưởng thuế quan ưu đãi khi nhập khẩu vào đối tác FTA, hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ của FTA. Tuy nhiên, nếu hàng hóa không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu hay các yêu cầu thậm chí cao hơn của khách hàng thì cũng chẳng thể nhập khẩu được.
Tương tự, cơ hội cải cách thể chế từ các FTA có thể là rất đáng kể, nhưng với điều kiện là việc nội luật hóa phải được thực hiện một cách hệ thống và nhuần nhuyễn, chứ không chỉ thay đổi ở một vài điểm đơn lẻ trực tiếp gắn với cam kết.
Làm thế nào để tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA đã là câu hỏi được đặt ra từ khá lâu rồi. Tới hiện tại, khi ngày càng nhiều các FTA quy mô lớn, hứa hẹn nhiều lợi ích đi vào thực thi, câu hỏi này càng đau đáu hơn.
Kỳ thực thì không phải là chúng ta không tận dụng được lợi ích từ các FTA. Ví dụ, tỉ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trung bình đã tăng dần qua các năm, hiện cũng đạt xấp xỉ 40%, một mức không phải là thấp so với nhiều nước ASEAN, thậm chí là cao so với chính các đối tác FTA.
Có điều rõ ràng vẫn còn một tỉ lệ đáng kể các cơ hội chưa trở thành hiện thực. Trong lúc chúng ta còn nhiều khó khăn, phung phí các cơ hội như vậy là điều rất khó chấp nhận.
Trong một khảo sát mới đây của VCCI, chúng tôi có hỏi doanh nghiệp về điều gì cản trở họ hiện thực hóa các lợi ích tiềm tàng từ các FTA. Câu trả lời rất đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn là hai bất cập, một thuộc về doanh nghiệp, một thuộc về Nhà nước. Thứ nhất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như hiểu biết của họ về FTA còn hạn chế quá. Thứ hai là công tác thực thi FTA của các cơ quan Nhà nước còn bất cập, cũng như thiếu các hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp.
Vì vậy, tôi nghĩ giải pháp nên tập trung vào việc xử lý các bất cập lớn nhất này. Với Nhà nước, linh hoạt trong tổ chức thực thi FTA theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp là điều cần thiết. Tôi đã thấy điều này với EVFTA, với UKVFTA và hy vọng sẽ được tiếp tục với tất cả các FTA khác.
Thưa bà, về phía mình, bản thân các doanh nghiệp cần phải làm gì để tận dụng các cơ hội mà các FTA mang lại, cũng như vượt qua các thách thức mà FTA đặt ra?
- Với doanh nghiệp, chủ động tìm cách để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, nhận diện xem mình yếu ở đâu, chỗ nào cần chỉnh và đầu tư để thay đổi, nâng cấp chính mình có lẽ là cách thức duy nhất, và không ai làm thay được.
Nhưng Nhà nước có thể hỗ trợ họ. Ví dụ bằng các đầu mối thông tin về tư vấn về cam kết FTA, về các thị trường đối tác FTA để trả lời doanh nghiệp khi họ cần. Hay bằng các chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ một cách thực chất, hiệu quả và công bằng chẳng hạn.
Nói cho cùng, giải pháp tận dụng hiệu quả các FTA cũng là giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Và điều này cần sự chủ động, nhiệt thành và chung tay của cả Nhà nước và doanh nghiệp.
Xin cảm ơn bà!