Khu phố để dân giữ tiền làm đường
Khởi động tinh thần bê tông hóa các tuyến đường, tuyến hẻm theo chỉ đạo của Đảng ủy và UBND thị trấn Tân Túc, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm ông Nguyễn Hữu Linh đều vận động người dân trong khu phố hiến đất, góp tiền làm đường.
Tính đến nay, người dân khu phố 3 đã hiến gần 10.000 m2 đất với rất nhiều tuyến đường, tuyến hẻm lớn nhỏ được mở rộng, đổ bê tông… giúp cho việc đi lại được thuận tiện hơn.
Đã nhiều năm qua nhưng ông Linh vẫn nhớ rõ từng tuyến đường lớn được bê tông hóa. Những cái tên như đường Cầu Miễu, Thiên Giang, Đại Hưng, Liên Tổ 14-15, đường Trạm Y Tế, đường Tổ 13, đường Tổ 6… cùng số tiền, số đất dân hiến được ông Linh đọc lên vanh vách, chứa đựng tâm huyết của cả người dân và cán bộ khu phố.
Ông Nguyễn Hữu Linh cho biết để làm được điều đó thì mọi việc phải đảm bảo được tính dân chủ, sự công khai và minh bạch. Cụ thể, ông mở các cuộc họp với dân, triển khai việc mở rộng từng tuyến đường; nói cụ thể số mét vuông đất cần dân hiến, số tiền làm đường, thời gian thực hiện một cách rõ ràng, quyết liệt… Sau đó sẽ để bà con bầu ra hai người dân có uy tín đại diện để cùng cán bộ khu phố đi vận động, giám sát, thực hiện cả quá trình làm đường.
“Khu phố để hai người đại diện này giữ và quản lý số tiền người dân đóng góp làm đường, ghi sổ sách thu chi. Ngay cả việc thuê xe chở đá, xe ủi, đổ bê tông cũng do người dân trực tiếp thực hiện” - ông Linh nói thêm.
Sau khi các tuyến đường được làm xong, khu phố sẽ họp dân để công khai việc thu chi, quá trình thực hiện rồi bàn giao lại tuyến đường cho người dân thụ hưởng, “chăm sóc” con đường mà mình đã bỏ tiền, bỏ công ra làm.
Ông Linh nhớ lại tuyến đường đầu tiên người dân khu phố xắn tay áo cùng thực hiện với vô vàn khó khăn. Công tác vận động dân hiến đất, góp tiền cũng không hề dễ dàng. Ông kể khi vận động người dân phải kiên trì, nhiều lúc phải đi đêm đi hôm mới có người dân ở nhà. Đến nhà cũng phải tìm người trí thức nhất trong gia đình để thuyết phục. Ai đồng ý đều cho ký vào biên bản, mang biên bản theo để tiếp tục thuyết phục các hộ dân khác…
“Có người dân đồng thuận với chủ trương nhưng không đủ tiền đóng góp. Thấy vậy, trong cuộc họp ở khu phố tôi cho hộ đó đứng lên trình bày khó khăn, thế là có hộ khác khá giả hơn tình nguyện đóng bù phần tiền còn thiếu” - ông Linh kể.
Xem thêm: lmth.988959-gnoud-mal-tad-neih-nad-gnod-nav-ohp-uhk-gnourt-gno/us-ioht/nv.olp