Tiếp đà hưng phấn trước đó, các cổ phiếu bất động sản tiếp tục bứt phá trong phiên giao dịch ngày 5/1. Bộ 3 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trong nhóm bất động sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam là VIC, VHM, VRE tăng mạnh và có đóng góp không nhỏ trong việc giữ vững đà tăng của chỉ số chính VN-Index. Trong đó, VHM tăng 3,9% lên 95.600 đồng/cp và góp 3,3 điểm (0,3%) cho chỉ số này. Tương tự, VIC tăng 1,6% lên 109.700 đồng/cp và góp 1,6 điểm (0,14%) cho VN-Index. VRE cũng góp 1,05 điểm (0,1%) khi tăng đến 5,2% lên 33.300 đồng/cp.
HNX-Index tăng tốt cũng nhờ sự đóng góp của một mã bất động sản, đó là IDC với mức tăng 5,6% lên 37.500 đồng/cp.
Trong khi đó, 2 cổ phiếu bất động sản cũng có vốn hóa khá lớn là NVL và BCM lại đi ngược xu hướng chung khi giảm lần lượt 0,2% và 0,7%.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự bùng nổ cũng diễn ra khi các mã như TID, EIN, HD8, HD6, DIH, BII hay DTA đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, PWA tăng 11% lên 14.100 đồng/cp, NRC tăng 7,9% lên 16.400 đồng/cp, HDG tăng 6,9% lên 44.350 đồng/cp, DIG tăng 6,6% lên 31.500 đồng/cp, DRH tăng 6,4% lên 11.700 đồng/cp. Các mã thanh khoản cao như ITA, DXG, KBC… cũng đua nhau tăng giá.
Đáng chú ý nhất là trường hợp của TDH, cổ phiếu này đầu phiên tiếp tục bị kéo xuống mức giá sàn và nhiều nhà đầu tư đã nghĩ đến viễn cành giảm sàn 3 phiên liên tiếp. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy bất ngờ dâng cao đã hút hết lượng lớn bán giá sàn của TDH, thậm chí còn giúp cổ phiếu bất động sản này tăng đến 5,6% lên 9.970 đồng/cp sau khi kết thúc phiên 5/1.
Mặc dù thị trường chung là tích cực nhưng vẫn có một số cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu ở phiên 5/1. Trong đó, FLC giảm 2,4% xuống 4.490 đồng/cp, HQC giảm 1,5% xuống 2.030 đồng/cp, ASM giảm 1,5% xuống 16.850 đồng/cp, SCR giảm 1,2% xuống 9.100 đồng/cp.
Còn về diễn biến của các chỉ số chứng khoán, bên cạnh đà tăng mạnh của 3 cổ phiếu họ “Vin” nói trên, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như VIB, MBB, FPT, SHB, HDB, ACB… đều tăng giá rất mạnh và giúp củng cố vững sắc xanh của các chỉ số.
Chốt phiên, VN-Index tăng 12,08 điểm (1,08%) lên 1.132,55 điểm. Toàn sàn có 277 mã tăng, 166 mã giảm và 54 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,85 điểm (0,9%) lên 208,13 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 87 mã giảm và 63 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (0,31%) lên 74,43 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng nhẹ so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 18.635 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 932 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 2.216 tỷ đồng. Có đến 4 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 5/1 gồm ITA, TDH, HQC và FLC, trong đó, ITA khớp lệnh đến 30,5 triệu cổ phiếu và chỉ đứng sau MBB với 34 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại bất ngờ mua ròng trở lại khoảng 516 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, VRE, VHM, NVL, VIC và HDG là các mã bất động sản nằm trong top 10 mua ròng của khối ngoại. VRE đứng đầu với giá trị mua ròng lên đến 168 tỷ đồng. Chiều ngược lại, KBC là mã bất động sản duy nhất nằm trong danh sách 10 mã bị bán ròng mạnh nhất với 32 tỷ đồng.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), phiên thứ hai nâng lô tối thiếu trên HOSE lên 100 cổ phiếu đã giúp cho giá trị khớp lệnh tiếp tục lập kỷ lục mới với 14.791 tỷ đồng mặc dù giao dịch đã không còn trơn tru khi về cuối phiên. VN-Index kết phiên trên ngưỡng 1.130 điểm (đỉnh tháng 2/2018) nên xét trên khía cạnh kỹ thuật, ngưỡng kháng cự đáng chú ý tiếp theo của chỉ số là quanh ngưỡng 1.200 điểm (đỉnh tháng 4/2018).
Nếu thị trường có thể tiếp tục tăng trong tuần này thì VN-Index sẽ đạt chuỗi 10 tuần tăng liên tiếp, kỷ lục mới trong giai đoạn từ 2010 đến nay với mức tăng trong cả quá trình vượt 20% giá trị vốn hóa. Điều này phần nào cũng cho thấy sức nóng của thị trường trong giai đoạn hiện tại. Tâm lý cứ mua là thắng đang tràn ngập, nhưng điều này cũng đẩy mức định giá của toàn thị trường lên cao nên nguy cơ điều chỉnh mạnh là có thể xảy ra. Trên thị trường phái sinh, mức basis dương được thu hẹp đáng kể chỉ còn 6 - 9 điểm cho thấy các nhà giao dịch nắm giữ vị thế long đang dần đóng vị thế của mình.
SHS cho rằng, nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng bảo vệ thành quả đã đạt được trước đó và chờ đợi thị trường điều chỉnh về các vùng giá hấp dẫn hơn như quanh 1.080 điểm (MA20) và 1.020 điểm (MA50) để tham gia trở lại./.
Xem thêm: lmth.10200000042210202-oac-yab-sdb-mohn-os-ihc-oek-puorgniv-oh-ueihp-oc-3-ob/nv.semitaer