Theo báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến tháng 12, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,...
Trong số này, 69,2%, tương đương hơn 22,2 triệu người, bị giảm thu nhập; gần 40% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu tổn thất nặng nề nhất với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (64,7%) và nông, lâm nghiệp và thủy sản (26,4%).
Tính chung năm 2020, lực lượng lao động của Việt Nam giảm 1,2 triệu người còn 54,6 triệu. Trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động tăng 0,8%.
"Nếu lực lượng lao động năm nay duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2019 và không có dịch, nền kinh tế sẽ có thêm 1,6 triệu lao động. Nói cách khác, Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,6 triệu người", Tổng cục Thống kê cho biết.
Đại dịch cũng làm thay đổi xu hướng biến động mang tính mùa vụ của lực lượng lao động giữa các quý trong năm. Ở các năm trước, giai đoạn 2016-2019, số lao động của quý đầu tiên luôn thấp nhất sau đó tăng dần ở các quý sau và đạt mức cao nhất vào quý IV. Nhưng năm nay, số lao động bắt đầu giảm ở quý I, sau đó tiếp tục giảm mạnh và chạm đáy ở quý II và dần có sự phục hồi vào quý III và quý IV.
"Phục hồi nhưng lực lượng lao động đến quý IV vẫn chưa đạt được trạng thái ban đầu khi chưa có dịch", Tổng cục Thống kê đánh giá và cho biết số người thuộc lực lượng lao động trong quý này vẫn thấp hơn quý I gần 200.000.
So với quý III, lao động quý IV ở khu vực nông thôn có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn lao động thành thị, trong khi đó tốc độ phục hồi của lao động nam đã đuổi kịp của lao động nữ.
Không chỉ đảo lộn xu hướng mùa vụ lao động, đại dịch còn đẩy nhiều lao động từ khu vực chính thức thành phi chính thức.
Trong giai đoạn 2016-2019, trước Covid-19, bình quân lao động chính thức tăng 5,6% mỗi năm, còn lao động phi chính thức tăng 3,6%. Tốc độ tăng lao động chính thức cao gấp 1,6 lần tốc độ tăng lao động phi chính thức làm tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức giảm dần qua các năm.
Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã khiến tình trạng này đảo ngược, khi các doanh nghiệp tinh giảm lao động, tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. Kết quả là tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng trong năm nay, đạt 56,2%, cao hơn 0,2% so với năm 2019, trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây.
Thu nhập của người lao động cũng giảm. Năm 2020, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV không những không duy trì được mức tăng trưởng như mọi năm mà còn giảm khá mạnh so với quý I và cùng kỳ năm trước. Con số bình quân ba tháng cuối năm đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212.000 đồng so với quý trước, nhưng giảm 108.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2020, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,5 triệu đồng, giảm 2,3% so với năm 2019, trong đó ngành dịch vụ thu nhập bị giảm sâu nhất, tiếp đến là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Trước đó, báo cáo cuối quý III của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá Covid-19 đã khiến số giờ làm bị giảm nghiêm trọng, dẫn đến mức sụt giảm "khổng lồ" về thu nhập của người lao động trên toàn thế giới. Theo đó, thu nhập từ lao động đã giảm 10,7% trong ba quý đầu năm (tương đương 3.500 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng tại châu Á - Thái Bình Dương, theo ước tính của ILO, trong năm 2020, 81 triệu việc làm bị mất vì Covid-19. Tình trạng thiếu việc đang ngày một tăng khi hàng triệu người lao động bị yêu cầu cắt giảm giờ làm việc hoặc thậm chí không làm giờ nào. Ước tính thời gian làm việc ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đã giảm 15,2% trong quý II và 10,7% trong quý III năm 2020 so với mức trước khủng hoảng. Ước tính thu nhập từ việc làm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong ba quý đầu năm cũng giảm khoảng 10%, tương đương với mức giảm 3% trong GDP.
Minh Sơn