Thị trường IPO Trung Quốc tiếp tục nóng trong năm 2021
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông có một năm 2020 mỹ mãn với các đợt phát hành công khai lần đầu (IPO) có giá trị lớn nhất trong vòng 10 năm qua: chạm mốc 119 tỉ đô la Mỹ, khoảng 45% tổng giá trị IPO 263 tỉ đô la trên toàn thế giới, không tính các vụ sáp nhập đặc biệt.
CEO Xin Lijun của JD Health (giữa) trong buổi lễ niêm yết lần đầu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông hôm 8-12. Hồng Kông được dự báo sẽ đứng đầu thế giới các vụ IPO trong năm 2021 với giá trị hơn 60 tỉ đô la. Ảnh: AP |
Các thị trường vốn Trung Quốc sẽ tiếp tục nóng với các vụ IPO trong năm 2021. Tuy nhiên, sự hăm hở tìm cách gọi vốn của các công ty Trung Quốc trên thị trường New York hay Nasdaq đã bị mất đà ngay từ đầu năm.
Ba thị trường IPO thuộc Top 5 toàn cầu
Các thị trường chứng khoán Trung Quốc gặp nhiều trở ngại trong năm rồi, với các đợt biểu tình kéo dài ở Hồng Kông và vụ đình hoãn IPO của Ant Group. Mọi người đã không mong đợi nhiều về thành tích của các thị trường vốn này.
Tuy nhiên, xu hướng các công ty Trung Quốc tìm cách gọi vốn ở thị trường quê nhà nhằm tránh các căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh lại khiến sức hấp dẫn của các thị trường vốn ở Trung Quốc gia tăng.
Các đợt IPO trên thị trường chứng khoán Hồng Kông đạt 50,3 tỉ đô la trong năm 2020, tăng 24% so với năm trước đó – theo báo cáo của hãng kiểm toán KPMG. Riêng các đợt IPO trên thị trường chứng khoán Thượng Hải gọi được 49,9 tỉ đô la, tăng 83% so với trước. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Thâm Quyến có quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn chạm mốc 18,5 tỉ đô la, tăng 95%. |
Xét trên quy mô toàn cầu, Hồng Kông giữ vị trí số 2 và Thượng Hải xếp hạng 3 - đứng sau Nasdaq. Còn Thẩm Quyến đứng hạng 5, xếp sau thị trường chứng khoán New York.
Sự nở phình của thị trường Hồng Kông phần lớn là do các công ty Trung Quốc đang niêm yết trên thị trường Mỹ quay về quê nhà để tìm kiếm sự an toàn trước các rào cản do chính quyền của Tổng thống Donald Trump dựng lên.
Chín công ty Trung Quốc đã chọn thực hiện các đợt IPO thứ cấp tại thị trường Hồng Kông trong năm 2020, với đợt IPO của trang thương mại điện tử JD.com đạt giá trị 4,5 tỉ đô la – đứng thứ hai các vụ IPO lớn nhất trong năm 2020.
Thị trường chứng khoán dành cho các hãng công nghệ STAR Market ở Thượng Hải chiếm đến 60% số vụ IPO của Trung Quốc trong năm rồi.
Hồi tháng 7, hãng sản xuất chất bán dẫn SMIC đã thu được 7,5 tỉ đô la trong năm 2020 trên thị trường này - và đây là vụ IPO có giá trị lớn nhất thế giới trong năm. Trước đó, hãng điều hành đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải có đợt IPO trị giá 4,4 tỉ đô la, xếp thứ ba toàn cầu.
Năm 2020 có 35 công ty Trung Quốc đã gọi được 13,7 tỉ đô la vốn trên thị trường Mỹ, tăng 270% so với năm trước đó. Hãng công nghệ tài chính Lufax Holdings, hãng xe điện Xpeng và nhà bán lẻ Miniso đã chọn thị trường Mỹ cho các đợt IPO của họ.
Các thông điệp từ thị trường chứng khoán New York trong vài ngày đầu qua khiến các công ty Trung Quốc và các nhà đầu tư Mỹ hoang mang. Ảnh: AP |
Nhà đầu tư quốc tế tiếp tục đổ xô về Trung Quốc
Các định chế đầu tư Mỹ và châu Âu, bao gồm các quỹ hưu trí, đang rời bỏ thị trường cổ phiếu Nhật Bản và gia tăng di dời sang thị trường Trung Quốc bởi đất nước khổng lồ này hồi phục kinh tế sau Covid-19 nhanh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Quỹ hưu trí giáo viên bang California (CalSTRS) – quỹ hưu trí công lớn thứ hai ở Mỹ - là một trong những nhà đầu tư năng nổ. Christopher Ailman, CEO của CalSTRS, nói rằng quỹ này sẽ tập trung vào hai chữ C trong năm nay: China (Trung Quốc) và climate change (biến đổi khí hậu).
CalSTRS có tổng tài sản trị giá hơn 254 tỉ đô la. Bên cạnh Apple và các công ty hàng đầu của Mỹ trong danh sách 10 công ty hàng đầu mà quỹ góp vốn đầu tư, CalSTRS còn bỏ vốn vào hai gã khổng lồ về công nghệ của Trung Quốc. Đó là Alibaba và Tencent.
Trong 18 năm làm việc của mình tại CalSTRS, Ailman nói rằng năm rồi là năm đầu tiên hai công ty Trung Quốc hiện diện trong danh sách top 10 đầu tư của quỹ. Bên cạnh đó, quỹ cũng nắm giữ nhiều cổ phiếu của các công ty Trung Quốc, bao gồm các công ty niêm yết ở Hồng Kông, chiếm 2,9% giá trị cổ phiếu các công ty đang niêm yết mà quỹ mua.
Trong khi đó, số cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường Nhật Bản chỉ chiếm 3,5% sau nhiều năm đầu tư.
Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu tư Bridgewaters Associates, tin rằng các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu, đặc biệt là các quỹ hưu trí, sẽ thay đổi chính sách hay thái độ với cổ phiếu Trung Quốc và gia tăng tỷ lệ sở hữu.
Trong khi đó, nhà đầu tư Baillie Gifford đang quản lý nhiều quỹ hưu trí ở châu Âu và Mỹ đã mở văn phòng đầu tiên tại Thượng Hải vào tháng 9 vừa rồi để “gia tăng đối thoại với các công ty Trung Quốc và tìm kiếm cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn”.
Hồng Kông sẽ giành lại vị trí quán quân IPO toàn cầu
Hồng Kông dự kiến sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự hồi phục kinh tế nhanh chóng ở đại lục và thị trường chứng khoán liên thông Thượng Hải – Hồng Kông, theo đánh giá của nhà phân tích về IPO Ringo Choi thuộc hãng kiểm toán Ernst & Young.
Trong năm 2021, khoảng 50-60 công ty Trung Quốc sẽ niêm yết ở Hồng Kông hay thị trường chứng khoán nội địa ở Trung Quốc bởi e ngại sẽ bị “đá” văng khỏi thị trường vốn Mỹ. Trong đó có các tên khá nổi bật: hãng gọi xe công nghệ Didi Chuxing, hãng vận chuyển JD Logistic, nền tảng chia sẻ video Bilibili và trang mạng bán xe hơi Autohome.
Với xu hướng này, hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers dự báo Hồng Kông sẽ vượt Nasdaq, giành vị trí quán quân là thị trường IPO hàng đầu thế giới trong năm 2021 với giá trị ước tính đạt 60 tỉ đô la. Thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến chắc chắn sẽ có nhiều vụ IPO giá trị cao trong năm 2021, tuy vậy sẽ không có sức bật nẩy như thị trường Hồng Kông.
Liệu các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn từ thị trường chứng khoán New York (NYSE) hay Nasdaq trong năm mới 2021? Câu hỏi vẫn sẽ là câu hỏi bởi đến giờ mọi người vẫn chưa biết rõ lắm về chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Joe Biden. |
Trong khi đó, tương lai vụ IPO của Ant Group vẫn là bất định hay nói thẳng ra đó là sự kết thúc khá rõ ràng của Ant Group trên thị trường IPO đại lục. “Triển vọng niêm yết của Ant ngày càng trở nên vô định”, một nhà phân tích nói với Nikkei Asia.
Dường như có một tín hiệu khác phát đi từ Alibaba, tập đoàn mẹ của Ant Group. Hôm 6-1, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng Alibaba đang chuẩn bị phát hành đợt trái phiếu doanh nghiệp trị giá 5-8 tỉ đô la để “cân đối các chi phí hoạt động”. Số tiền này chỉ khoảng 20% giá trị vụ IPO bị đình hoãn của Ant Group.
Những tín hiệu phát đi từ NYSE trong vài ngày qua khá mơ hồ và hỗn độn. Hôm 5-1, NYSE đã đảo ngược quyết định hủy niêm yết công bố trước đó vài ngày với ba hãng viễn thông quốc doanh của Trung Quốc. “Đây là một chuỗi các sự kiện quái dị tôi chứng kiến ở Mỹ trong suốt sự nghiệp làm nghề phân tích của mình”, nhà phân tích Edison Lee của hãng Jefferies viết trong thư gửi khách hàng.
Xem thêm: lmth.1202-man-gnort-gnon-cut-peit-couq-gnurt-opi-gnourt-iht/874213/nv.semitnogiaseht.www