Theo thông tin từ người dân nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa (Lào Cai), hiện tại giá cá hồi loại 1, là loại có mẫu mã đẹp, trọng lượng khoảng 2 kg, đang được xuất bán với giá 140 nghìn đồng/kg.
Những loại có trọng lượng nhỏ hơn chỉ có giá khoảng 110-120 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, những loại cá hồi dưới 1kg giá chỉ khoảng 80-90 nghìn đồng/kg. So với hồi đầu năm, giá cá hồi hiện tiếp tục giảm từ 40-80 nghìn đồng/kg.
Điều đáng nói là mặc dù giá cá hồi giảm mạnh nhưng người nuôi cá hồi vẫn khó tìm đầu ra khiến người nuôi cá hồi không có lãi, thậm chí bị lỗ vốn.
Nhiều gia đình tồn cả tấn cá hồi thịt đang rất sốt ruột vì chưa biết bán như thế nào, trong khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là bước sang năm mới.
Ở Sa Pa, hộ có số lượng ao nuôi cá hồi lớn nhất là gia đình ông Lý Láo Pà ở xã Ngũ Chỉ Sơn.
Ông Pà cho biết, những năm trước, khi giá cá hồi ở mức 240 - 250 nghìn đồng/kg, ông thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi lứa cá. Nhưng, từ đầu năm 2020 đến nay, ông không thu được đồng lãi nào từ nuôi cá hồi.
Hiện tại, cá hồi loại 1 được ông Pà bán với giá chỉ 140-156.000 đồng/kg, trừ các chi phí thì không có lãi.
Được biết, ở xã Ngũ Chỉ Sơn có khoảng 70 cơ sở nuôi cá nước lạnh của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân, tập trung tại các thôn Cán Hồ B, Phìn Hồ, Kim Ngan... với sản lượng mỗi năm lên tới gần trăm tấn.
Người dân ở Lào Cai chăm sóc cá hồi. (Ảnh: BLC)
Giá giảm mạnh lại không có đầu ra, nhiều gia đình lỗ hàng chục triệu đồng, vì thế, nhiều hộ nuôi cá hồi ở xã Ngũ Chỉ Sơn đang tính bán hết lứa cá này thì sẽ không nuôi cá hồi nữa.
Trao đổi với PV Infonet về thông tin trên, ông Đỗ Tiến Thắng, Chủ tịch Hội Cá nước lạnh Sa Pa cho hay, từ ngày cá nước lạnh được nuôi và kinh doanh ở Việt Nam đến nay đã 15 năm, nhưng chưa năm nào xảy ra tình trạng tiêu thụ cá khó khăn như năm nay.
“Nếu những năm trước ở Sa Pa, lượng khách du lịch đến đây nhiều nên hàng trăm tấn cá hồi hay cá tầm cũng không đủ để cung cấp cho thị trường. Thậm chí vào tầm tháng 7-8, cá nước lạnh ở Sa Pa thường bị “cháy” hàng.
Tuy nhiên, năm nay là 1 năm khó khăn. Vì dịch bệnh nên từ đầu năm lượng khách du lịch không nhiều khiến cá không tiêu thụ được. Đây cũng là tình hình chung”, ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Thắng, từ đầu năm đến nay cá không tiêu thụ được nên số lượng cá còn nhiều và các hộ nuôi không cầm cự được.
Ngoài nguyên nhân dịch bệnh thì vấn đề ô nhiễm không khí, đặc biệt là vào thời điểm này, nguồn nước bị kém là một trong những nguyên nhân khiến cá bị bệnh rất nhiều, trong khi nhiều chủ hộ nuôi lại không biết phòng bệnh và xử lý để cá đạt chất lượng tốt.
Tuy nhiên, ông Thắng cho hay, tình trạng này chỉ xảy ra ở những hộ nuôi tự phát, còn hộ nuôi lớn thì ít.
“Hiện nay giá cá rất rẻ và những hộ có điều kiện họ sẽ duy trì nuôi khi được giá mới bán, nhưng những hộ không có điều kiện thì buộc phải bán. Hiện giá cá chỉ từ 120-130.000 đồng/kg”, ông Thắng nói thêm.
Được biết, hiện Lào Cai có trên 150 cơ sở nuôi cá nước lạnh, chủ yếu nuôi tại Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn..., với tổng sản lượng ước đạt 375 tấn/năm.
Nuôi cá hồi từng là hướng đi mang lại thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho bà con nơi đây. Theo chính quyền địa phương, trước đây, để có tiền đào ao, xây bể, dẫn nước về nuôi cá hồi, nhiều hộ trong xã đã vay hàng trăm triệu đồng từ các tổ chức tín dụng.
Đầu năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, ngành du lịch gần như “đóng băng” khiến giá cá hồi giảm sâu, đến giữa năm giá nhích lên một chút, nhưng cuối năm lại tiếp tục giảm khiến nhiều người nuôi cá hồi lâm vào cảnh khó khăn, nợ chồng nợ.
Theo đó, những cơ sở nuôi cá nhỏ lẻ của người dân chịu thiệt hại nặng nhất do thiếu vốn, thiếu đầu ra và phải phụ thuộc vào thương lái, bởi với giá bán 100 - 130 nghìn đồng/kg mà không bán được, người nuôi cá hồi không có lối thoát.