vĐồng tin tức tài chính 365

Nhìn xa trông rộng về 'sếu đầu đàn'

2021-01-07 09:18

Nhìn xa trông rộng về 'sếu đầu đàn'

Trương Trọng Hiểu (*)

(TBKTSG) - Dư luận mấy ngày qua khá háo hức với đề xuất phát triển các “đại gia” Viettel, MobiFone và EVN thành “sếu đầu đàn” của nền kinh tế. Thực ra, định hướng này... không lạ. Tuy nhiên, kinh nghiệm của các nước cũng có thể đưa ra một vài gợi ý trong việc tạo dựng các doanh nghiệp hùng mạnh quốc gia (national champion).

MobiFone - một trong những “đại gia” được đề xuất thành “sếu đầu đàn” của kinh tế Việt Nam. Ảnh: N.K

Thực tế, mục tiêu này gắn với quá trình xây dựng và thực thi chính sách công nghiệp. Hầu hết các nước, kể cả Mỹ, cũng không thể bỏ qua chính sách này trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Tuy nhiên, không ít lần các mục tiêu tạo dựng doanh nghiệp hùng mạnh quốc gia thất bại ở các nước, và cả ở Việt Nam trước đây, các ý kiến nghi ngại về hiệu quả của các chính sách công nghiệp luôn hiện hữu.

Sự trỗi dậy của các chaebol ở Hàn Quốc và zaibatsu (khác với keiretsu - đơn thuần là những doanh nghiệp lớn, với các sáp nhập thường xuyên được tiến hành) ở Nhật Bản là mô hình đáng để tham khảo bậc nhất.

“Chọn đúng” là nguyên tắc then chốt

Quả thật, trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam không dễ tìm thấy một phương án khả dĩ. Khác với việc thực thi chính sách công nghiệp và tạo dựng doanh nghiệp quốc gia hùng mạnh ở các nước trong các giai đoạn trước, Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều cam kết quốc tế.

Những tranh luận gắn liền với mục tiêu tạo dựng doanh nghiệp hùng mạnh và tăng cường sức cạnh tranh cho nền kinh tế nội địa luôn đặt ra vấn đề chọn ngành, lĩnh vực công nghiệp hay chọn doanh nghiệp điển hình để kích hoạt. Đặt mục tiêu tìm kiếm “sếu đầu đàn” từng lĩnh vực công nghiệp cụ thể không bao giờ là thừa, nhưng để doanh nghiệp được “chỉ định” đủ khả năng kích ứng, tạo lực và sức cạnh tranh chung cho nền kinh tế thì tiền đề vật chất hiện thời lẫn ngoại tác tương lai của lĩnh vực công nghiệp mà doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp hoạt động cũng cần phải được quan tâm thấu đáo. Cho dù thế nào thì “chọn đúng” luôn là nguyên tắc mang tính then chốt.

Chọn ngành để phát triển ở Nhật Bản giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ hai có thể minh định điều này. Từ bỏ “định hướng” của Mỹ, Nhật quyết tâm theo đuổi công nghiệp chế tạo ô tô mặc dù xuất phát điểm của họ lúc bấy giờ rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở chỗ Nhật Bản cần phải giải quyết lực lượng kỹ sư và nhân viên kỹ thuật dôi dư quá lớn do sự đổ vỡ của công nghiệp, xây dựng. Kết quả, Nhật Bản đã đúng khi đặt niềm tin vào khả năng thích ứng của đội ngũ lao động kỹ thuật này sau quãng thời gian đầu tự mày mò từ những chiếc xe cũ của... ngoại bang. Và như đã nói, chọn ngành để kích ứng sau đó đã sản sinh ra doanh nghiệp dẫn dắt ngành, và tạo sức lan tỏa lẫn định hình nên biểu tượng kinh tế của quốc gia.

Xác định nhóm doanh nghiệp để hỗ trợ, lẫn bảo trợ, cũng cần được nghiên cứu kỹ. Ba cái tên được Việt Nam nêu ra lần này tựu trung là doanh nghiệp nhà nước, xuất thân hoặc có liên hệ với nhà nước.

Trong lịch sử, việc nhắm đến các doanh nghiệp nhà nước để tạo dựng các tập đoàn kinh tế hùng mạnh đã từng được thực hiện. Đặt ra mục tiêu tạo dựng “national champion” trong chính sách công nghiệp là hướng đi không còn phải bàn cãi. Tuy nhiên, những gãy đổ của các tập đoàn được thành lập thông qua các quyết định hành chính vội vã, tiêu biểu nhất là Vinashin, cho thấy kiểu lựa chọn này chưa hẳn là hoàn toàn đúng.

Tiếp tục liên hệ với trường hợp của Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt. Chắc chắn, đó không phải là doanh nghiệp nhà nước cho dù đến nay doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối cũng còn hiện diện trong các nền kinh tế này.

Với Hàn Quốc, những chaebol xuất phát điểm là các doanh nghiệp thân hữu. Tuy nhiên, Nhật Bản sẵn sàng gọi tên các zaibatsu từ những doanh nghiệp thuộc khối tư nhân để kích hoạt nếu các doanh nghiệp đó tỏ rõ vai trò tiên phong, thậm chí còn phải có tinh thần dân tộc đủ lớn.

Đương nhiên, điều này không có nghĩa, chính sách công nghiệp hướng đến các doanh nghiệp nhà nước ắt hẳn sẽ thất bại. Vấn đề then chốt vẫn là chọn “đúng” ngành và doanh nghiệp để kích ứng mà thôi.

Tìm lối cho những xung đột

Ít ra thì chính sách công nghiệp không nên dừng lại ở những ưu đãi cho các “tay chơi” hiện thời mà cần phải mở cửa thị trường đón chào nhân tố mới. Chính sách công nghiệp không nên chọn “người thắng cuộc” mà khởi tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới sáng tạo... Nghe chừng, đây lại là tình huống khó.

Vấn đề tiếp theo là đường hướng giải quyết những mối xung đột giữa chính sách cạnh tranh và quá trình thực thi chính sách công nghiệp. Nền kinh tế tất nhiên cần các doanh nghiệp hùng mạnh, nhưng từ phía doanh nghiệp, hùng mạnh không phải... để chơi. Thực tế, giai đoạn nuôi dưỡng zaibatsu ở Nhật Bản không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Trái lại, các biểu hiện “mặt trái” của các tổ hợp doanh nghiệp hùng mạnh lúc bấy giờ cũng đã từng gây không ít bàn cãi và căng thẳng.

Chính sách và pháp luật kiểm soát độc quyền do đó luôn dành sự chăm sóc kỹ lưỡng đối với các doanh nghiệp có mức chi phối lớn, có khả năng “chơi bậy” và thực tế đang “chơi bậy”. Nếu mục tiêu làm bệ đỡ cho các “sếu đầu đàn” vẫn còn tiếp tục thì rõ ràng quá trình thực thi pháp luật nói trên dễ bị tổn hại.

Trong giai đoạn phát triển tăng cường của Hàn Quốc sau thập niên 1960, đây là một phần lý do quan trọng để cơ quan lập pháp nước này năm lần bảy lượt phủ quyết việc thông qua đạo luật chống độc quyền. Khi những chaebol được “chỉ định” đã đủ lực và cất cánh trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài, đạo luật cuối cùng cũng được thông qua, vào cuối thập kỷ 1980.

Nhưng có lẽ, Nhật Bản mới là mô hình tiến thoái lưỡng nan tương tự như Việt Nam. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trước sức ép của Mỹ, Nhật Bản buộc phải sớm ban hành Luật chống độc quyền vào năm 1947 và trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á thông qua đạo luật này. Thậm chí, ở thời điểm năm 1947 đó, Nhật Bản cũng thuộc tốp các quốc gia trên thế giới có Luật Cạnh tranh, dù ở thế miễn cưỡng.

Nhưng ngược lại, Nhật Bản cuối cùng cũng có sự lựa chọn riêng của mình. Để theo đuổi các mục tiêu của chính sách công nghiệp, Nhật Bản chọn cách... ngó lơ để đưa Luật chống độc quyền vào thời kỳ “đen tối” trong suốt vài thập kỷ sau đó. Chỉ đến khi nền kinh tế đổ vỡ sau Thế chiến đã được vực dậy với hàng loạt tên tuổi lớn vào những năm cuối thập kỷ 1970, Nhật Bản mới quay trở lại thực thi nghiêm ngặt đạo luật này.

Việt Nam ra mắt phiên bản Luật Cạnh tranh đầu tiên hơn 15 năm trước với một trong số lý do là cần phải rà soát và hoàn thiện thể chế pháp lý thị trường theo tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ở thời điểm đó, thậm chí là cho đến phiên bản Luật Cạnh tranh thứ hai được thông qua năm 2018, không ít ý kiến cho rằng điều kiện để thực thi một đạo luật kiểu như vậy là... chưa chín muồi. Nhưng việc gì đến cũng phải đến, và liệu chăng kinh nghiệm của Nhật Bản có thể trở thành lựa chọn khả dĩ cho Việt Nam?

Lựa chọn khả dĩ

Quả thật, trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam không dễ tìm thấy một phương án khả dĩ. Khác với việc thực thi chính sách công nghiệp và tạo dựng doanh nghiệp quốc gia hùng mạnh ở các nước trong các giai đoạn trước, Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều cam kết quốc tế. Đặc biệt, ý kiến cổ vũ cho việc theo đuổi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp “mũi nhọn” ngày cũng thưa bớt dần.

Về mặt lý thuyết, chính sách công nghiệp không nhất thiết phải mang thêm sứ mạng tạo dựng doanh nghiệp “đầu tàu”. Nhưng trên thực tế, một khi mục tiêu về các “national champion” đã được đưa ra thì chính sách công nghiệp khó lòng bỏ qua nội dung này. Những tranh cãi và nỗ lực giải quyết xung đột giữa chính sách công nghiệp và chính sách cạnh tranh vì thế vẫn phải tiếp tục.

Cũng chẳng phủ nhận rằng, theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sự xung khắc giữa hai chính sách không phải lúc nào cũng tồn tại. Hay nói cách khác, bằng cách này hay cách khác, nếu chọn lựa đúng và khéo léo, các mối hiềm khích có thể được dung hòa, và từ đó mối quan hệ tương hỗ có thể dần hình thành. Chỉ có điều, kết luận trên của OECD được đưa ra với giả định rằng mục tiêu tạo dựng các doanh nghiệp hùng mạnh đã bị loại bỏ, vì khi đó các mối xung đột giữa hai loại chính sách sẽ giảm đi rất nhiều. Ít ra thì chính sách công nghiệp không nên dừng lại ở những ưu đãi cho các “tay chơi” hiện thời mà cần phải mở cửa thị trường đón chào nhân tố mới. Chính sách công nghiệp không nên chọn “người thắng cuộc” mà khởi tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới sáng tạo(1).

Nghe chừng, đây lại là tình huống khó. Nếu Việt Nam đã phải “dấn thân” để có được Luật Cạnh tranh thì một lần nữa Việt Nam cũng khó lòng nghe lời xúi bẩy để từ bỏ ước vọng tạo dựng một vài doanh nghiệp mang tính biểu tượng cho nền kinh tế trong nay mai.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM).

(1) Xem thêm: OECD, Competition policy, Industrial Policy and National Champions, 2009, trang 44-45.

Xem thêm: lmth.nad-uad-ues-ev-gnor-gnort-ax-nihn/124213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhìn xa trông rộng về 'sếu đầu đàn'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools