Việt Nam, trong nỗ lực tháo mác thao túng tiền tệ
Linh Trang
(TBKTSG) - Mặc dù các yếu tố khách quan đang dần ngả sang chiều hướng tích cực nhưng Việt Nam cũng cần chứng minh “thiện chí” của mình trong nỗ lực tháo mác thao túng tiền tệ.
Dòng thông tin khách quan “có lợi” cho Việt Nam
Việc Việt Nam (cùng với Thụy Sỹ) bị Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ trong báo cáo hồi giữa tháng 12-2020 vừa qua đã gây ra không ít lo ngại cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tuy vậy, theo dõi sát những thông tin gần đây có thể thấy rủi ro Việt Nam bị Chính phủ Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt cao nhất (áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam) đang ngày một thấp dần.
Cụ thể, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), vào ngày 29-12-2020, Ủy ban Thương mại Mỹ (USTR) đã tổ chức buổi “Lắng nghe ý kiến từ công chúng (Public Hearing) về cuộc điều tra theo mục 301 về định giá tiền tệ của Việt Nam”. Cuộc điều tra này được USTR tiến hành dưới cơ sở pháp lý là mục 301, Bộ luật Thương mại năm 1974 (Trade Act) và độc lập với quy trình rà soát bán niên chính sách can thiệp vào thị trường tiền tệ mà Bộ Tài chính Mỹ đã thực hiện và mới ban hành báo cáo quy kết Việt Nam thao túng tiền tệ gần đây.
Khả năng Mỹ ra phán quyết áp thuế trừng phạt lên toàn bộ hàng hóa của Việt Nam được đánh giá là tương đối thấp. |
Trong buổi thu thập ý kiến từ công chúng của USTR ngày 29-12, thành phần tham dự chủ yếu là các hiệp hội doanh nghiệp Mỹ, ngoài ra còn có đại diện các doanh nghiệp khác. Kết quả buổi điều trần về cơ bản được đánh giá là có lợi cho Việt Nam khi đa phần các ý kiến phản đối việc áp thuế lên Việt Nam đều chứng minh được bằng chứng thuyết phục. Các ý kiến phản đối áp thuế đa phần đến từ những hiệp hội lớn, có ảnh hưởng lớn nhất tại Mỹ như Phòng Thương mại Mỹ, Liên đoàn bán lẻ các quốc gia... cũng như các doanh nghiệp Mỹ đang có hoạt động đầu tư và lợi ích ở Việt Nam, điển hình như tập đoàn General Electric (GE). Theo lộ trình, thời hạn cuối để USTR thu nhận các ý kiến từ công chúng bằng văn bản là đến hết ngày 7-1-2021. Thông thường, kể từ khi kết thúc thời hạn nêu trên, sẽ phải mất một vài tuần để USTR đưa ra được kết luận cuối cùng. Nếu kết luận là có thao túng tiền tệ thì Mỹ mới xem xét các biện pháp buộc Việt Nam phải có các biện pháp điều chỉnh chính sách để loại bỏ hạn chế thương mại.
Tuy vậy, với kết quả theo chiều hướng tương đối tích cực cho Việt Nam trong buổi điều trần hôm 29-12 cộng với việc để USTR đưa ra được kết luận cuối cùng có thể mất nhiều thời gian, vượt quá thời hạn chuyển giao quyền lực từ chính quyền của ông Donald Trump sang chính quyền của ông Joe Biden (ngày 20-1-2021) nên khả năng Mỹ ra phán quyết áp thuế trừng phạt lên toàn bộ hàng hóa của Việt Nam được đánh giá là tương đối thấp. Với cách tiếp cận linh hoạt và theo chiều hướng đa phương của chính quyền mới Joe Biden, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để đàm phán, qua đó tránh các biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ phía Mỹ sau khi bị dán nhãn thao túng tiền tệ.
Chủ động bày tỏ “thiện chí”
Mặc dù các yếu tố khách quan đang dần ngả sang chiều hướng tích cực nhưng Việt Nam cũng cần chứng minh “thiện chí” của mình trong nỗ lực tháo mác thao túng tiền tệ. Trong thời gian tới, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là Việt Nam giảm can thiệp vào thị trường ngoại hối và tích cực ký hợp đồng nhập khẩu các loại hàng hóa là thế mạnh của Mỹ như hàng nông sản, khí LNG, máy móc thiết bị... nhằm giảm thặng dư thương mại với Mỹ.
Trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quy định mới về hoạt động mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể, kể từ ngày 31-12-2020, NHNN ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay tại Sở Giao dịch và ngừng mua ngoại tệ giao ngay. Còn kể từ ngày 4-1-2021, NHNN sẽ thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng có hủy ngang (thay vì kỳ hạn ba tháng như trước) với tỷ giá mua kỳ hạn là 23.125 đồng/đô la Mỹ.
Theo đó, mỗi TCTD chỉ được hủy ngang một lần (tạo thêm điều kiện để các TCTD chủ động trong cân đối nguồn ngoại tệ bán khi đáo hạn), áp dụng cho toàn bộ giá trị giao dịch bán ngoại tệ cho NHNN theo phương án này. Đối tượng NHNN mua kỳ hạn là các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trạng thái ngoại tệ dương và có nhu cầu bán ngoại tệ cho NHNN. Mức ngoại tệ mua tối đa cho mỗi TCTD mỗi lần tương đương mức để đưa trạng thái ngoại tệ của TCTD đó về mức cân bằng, không mua trong các trường hợp dẫn tới trạng thái ngoại tệ bị âm.
Trạng thái ngoại tệ để xem xét duyệt mua ngoại tệ là trạng thái ngoại tệ của TCTD vào cuối ngày làm việc liền trước ngày làm việc NHNN mua ngoại tệ. Như vậy, sau bước giảm 50 đồng giá mua vào đô la Mỹ trong tháng 11-2020, phương án điều chỉnh nói trên là bước tiếp theo của NHNN trong hoạt động mua vào ngoại tệ.
Động thái trên sẽ một phần giúp điều tiết thị trường ngoại hối bằng cách rải nguồn tiền đồng mua ngoại tệ đối ứng ra thị trường trong một thời gian dài thay vì dồn cung tiền đồng tại một thời điểm nếu thực hiện mua giao ngay, nhất là trong bối cảnh nguồn kiều hối thường đổ dồn về cuối năm như thời điểm hiện tại.
Tuy vậy, mục đích sâu xa hơn của NHNN từ động thái trên có thể là nhằm chứng minh cho phía Mỹ thấy Việt Nam không còn can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối bằng cách trực tiếp mua đô la Mỹ nữa (thông qua việc không niêm yết tỷ giá mua giao ngay). Đây là bằng chứng giải trình cần thiết trong các cuộc đàm phán, thương lượng của Việt Nam với Chính phủ Mỹ trong tương lai nhằm giúp Việt Nam sớm được tháo mác thao túng tiền tệ.
Xem thêm: lmth.et-neit-gnut-oaht-cam-oaht-cul-on-gnort-man-teiv/714213/nv.semitnogiaseht.www