Mô hình Saigon Co.op
Huỳnh Thế Du
(TBKTSG) - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vừa tổ chức Đại hội lần thứ VI để đưa ra phương hướng hoạt động trong bối cảnh kinh tế tập thể được xem là một nền tảng của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ trương và kỳ vọng đã rõ, nhưng thực tế thách thức hơn rất nhiều. Điều này được thể hiện rất rõ với mô hình Saigon Co.op - một đơn vị mạnh và đã thành công. Nếu Saigon Co.op không có chiến lược hợp lý, nhằm huy động các nguồn lực cần thiết và có một mô hình quản trị phù hợp, thì không chỉ thua trên sân nhà mà còn gặp phải thách thức tồn tại trong một bối cảnh cạnh tranh đang rất khốc liệt.
Khách hàng mua sắm tại Saigon Co.op. Ảnh: THÀNH HOA |
Sự thất thế của Saigon Co.op
Theo một phân tích của McKinsey, thị trường bán lẻ của Việt Nam có quy mô 108 tỉ đô la Mỹ vào năm 2018. Tuy nhiên, thương mại hiện đại (modern trade) hay hệ thống mua bán có tổ chức chỉ chiếm 8% (thấp hơn rất nhiều so với các nước khác). Nếu Việt Nam theo đúng quy luật của các nước đi trước thì tỷ phần này có thể đạt 26% vào năm 2025.
Vào năm 2018, hàng tạp hóa được bán ở các siêu thị và chuỗi cửa hàng đạt 2,8 tỉ đô la. Saigon Co.op chiếm 47% thị phần, giảm đáng kể so với mức 68% vào năm 2012. Trong giai đoạn 2012-2019 tăng trưởng hàng năm của cả thị trường là 15,2%, trong khi Saigon Co.op chỉ là 8,3%.
Theo bài viết “Giữ vững vị trí nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu” trên trang web chính thức của Saigon Co.op ngày 4-9-2020: “Doanh thu của Saigon Co.op bình quân hàng năm (năm năm qua) tăng 8,2% và chiếm 34% thị phần doanh thu bán lẻ của cả nước”.
So với tổng thể thị trường bán lẻ, Saigon Co.op còn khiêm tốn hơn. Theo phân tích gần đây của Euromonitor International, Thế giới Di động (TGDĐ) là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam nằm trong nhóm 100 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu châu Á tính theo doanh thu năm 2019 với 5,55 tỉ đô la, xếp thứ 59 châu Á và thứ 8 Đông Nam Á.
Saigon Co.op xếp thứ hai ở Việt Nam và thứ 20 trong khu vực Đông Nam Á. Vingroup thứ 31 và FPT xếp thứ 32. Central Group (Big C) có doanh thu bằng một nửa Saigon Co.op và nếu cộng thêm Nguyễn Kim mà doanh nghiệp này vừa mua lại đầu năm 2020 thì là hơn 1,17 tỉ đô la.
Tổng doanh thu của 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam vào năm 2019 là 11,4 tỉ đô la và Saigon Co.op chỉ chiếm gần 12%. Như vậy xét về ngành bán lẻ nói chung thì Saigon Co.op không phải là đơn vị dẫn đầu. Tính riêng hàng tạp hóa thì Saigon Co.op đang bị các đơn vị khác thu ngắn khoảng cách rất nhanh.
Phải chăng Saigon Co.op đã thúc thủ?
Theo số liệu trong phân tích nêu trên của Mckinsey, vào năm 2025, hàng tạp hóa bán qua các siêu thị và chuỗi cửa hàng có tổ chức sẽ đạt mức 25 tỉ đô la. Nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư rất lớn để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ của Việt Nam.
Nhờ có chiến lược hợp lý mà Bách hóa Xanh của TGDĐ hiện đã có tốc độ tăng trưởng đến ba con số và hiện đã chiếm gần 30% thị phần. Doanh thu vào năm 2019 của Central Group đã gần bằng Saigon Co.op. AEON vừa công bố kế hoạch đầu tư 2 tỉ đô la vào Việt Nam từ nay đến năm 2025. Masan đã có kế hoạch đưa chuỗi cửa hàng bán lẻ từ 3.000 vào giữa năm 2020 lên 10.000 vào năm 2025.
Theo kế hoạch được công bố, từ nay đến năm 2025, Saigon Co.op phấn đấu tăng trưởng doanh thu bình quân 6-10%/năm. Như vậy, doanh thu cao nhất của Saigon Co.op theo kế hoạch vào năm 2025 đạt khoảng 62.000 tỉ đồng (hơn 2,6 tỉ đô la theo tỷ giá hiện tại). Khi đó thị phần của Saigon Co.op chỉ còn chưa đến 11%. Ngay cả khi toàn thị trường chỉ đạt được mức tăng trưởng 15%/năm trong năm năm tới và Saigon Co.op đạt mức tăng 10%/năm thì vào năm 2025 thị phần còn chưa đến 30%.
Khi thị trường đang ở giai đoạn bùng nổ mà Saigon Co.op chỉ đưa ra một kế hoạch như vậy thì quả là sự thúc thủ. Rất có thể trong 5-10 năm tới Saigon Co.op chỉ còn là một cái tên thường thường bậc trung. Nếu đúng như vậy thì quả là đáng tiếc.
Cái áo đã quá chật
Saigon Co.op là một mô hình kinh doanh rất đặc thù. Về danh nghĩa, đây là một liên hiệp của 26 hợp tác xã. Theo Luật Hợp tác xã thì mọi quyết định đều do các các thành viên quyết định. Việc tăng vốn chỉ có thể là từ các hợp tác xã thành viên.
Tuy nhiên, Saigon Co.op lại được xem như một doanh nghiệp nhà nước mạnh của TPHCM. Các quyết định quan trọng, nhất là việc bố trí nhân sự do chính quyền thành phố quyết định. Hoạt động của Saigon Co.op lại theo cơ chế thị trường với cấu trúc tập đoàn và đang phải cạnh tranh rất quyết liệt.
Một trong những nhân tố cho sự thành công của Saigon Co.op là lợi thế và dấu ấn cá nhân của một số người điều hành qua các thời kỳ. Tuy nhiên, sự thành công này cũng giống như TPHCM so sánh với trong nước và ngoài nước. Chỉ nhìn trong nước thì thấy to, nhưng đáng lý ra thành phố đã có thể phát triển như Seoul hay Thượng Hải nếu các tiềm năng và lợi thế được khai thác đúng mức.
Nói cách khác, nếu có cơ chế hoạt động và chính sách hiệu quả hơn thì Saigon Co.op đã có quy mô và mức độ hiệu quả cao hơn rất nhiều so với hiện tại. Nếu cách đây mấy năm có thể mua được Big C thì Saigon Co.op đã có thể củng cố vị trí rất tốt của mình. Tuy nhiên, một số giới hạn và ràng buộc đã làm cho thương vụ này không thành công. Cái khó đã bó cái khôn.
Để có thể tiếp tục chiếm lĩnh thị trường và khẳng định mình, Saigon Co.op cần ít nhất hai điều kiện gồm: tiềm lực tài chính và cơ chế quản trị gắn với việc tạo và phân bổ lợi nhuận. Saigon Co.op cần phải có chiến lược đầu tư rất lớn trong thời gian tới (nhiều tỉ đô la). Với thông tin được đăng tải thì lợi nhuận hàng năm chưa đến 1.000 tỉ đồng. Giả sử toàn bộ số lợi nhuận có được được giữ lại để tái đầu tư thì cũng không đáng kể. Như vậy cần phải huy động vốn từ bên ngoài.
Trên thực tế, Saigon Co.op đang có giá trị hàng tỉ đô la. Nhìn ở góc độ kinh doanh và hiệu quả cho cả nền kinh tế, nếu được tổ chức theo mô hình công ty cổ phần thì Saigon Co.op có thể trở thành một doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu hàng tỉ đô la và việc huy động vốn rất dễ dàng chứ không phải khó khăn và thúc thủ như hiện nay.
Tuy nhiên, thực tế đang rất vướng cho việc tăng vốn và thiết kế cơ chế quản trị. Nếu để các bên góp vốn vào để làm “cái bánh” lớn hơn thì cả xã hội sẽ có lợi. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khả năng kiểm soát của Nhà nước và cần phải giữ mô hình hợp tác xã thì vấn đề lại khác. Đây chính là mâu thuẫn hay vướng mắc hiện nay.
Lời kết
Thời kỳ đỉnh cao khi Saigon Co.op cán mốc doanh thu tỉ đô đã gần chục năm. Kể từ đó, cái áo cơ chế quá chật đã làm Saigon Co.op mất dần lợi thế. Nếu cứ theo cơ chế hiện tại thì có thể đe dọa đến sự tồn tại của Saigon Co.op. Trái lại, nếu được tổ chức theo mô hình công ty cổ phần, đa sở hữu thì khả năng tạo dựng một đế chế bán lẻ của người Việt không chỉ ở trong nước mà có thể cả Đông Nam Á là rất lớn. Do vậy, mô hình Saigon Co.op nên được xem xét một cách thấu đáo để có được sự lựa chọn tốt nhất cho chính nó, cho TPHCM và cho Việt Nam.
Xem thêm: lmth.pooc-nogias-hnih-om/814213/nv.semitnogiaseht.www