Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2020 của Việt Nam tăng 13,3%
L.Nhi
(TBKTS Online)- Việc đột ngột dừng xuất khẩu gạo từ ngày 24-3 đến hết tháng 4-2020 đã gây ra những biến động mạnh trên thị trường sản xuất và kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo. Sau đó, cơ chế xuất khẩu gạo được phục hồi khiến Việt Nam tiếp tục xuất khẩu cả năm 6,15 triệu tấn.
Việt Nam đảm bảo mục tiêu xuất khẩu ngành này đã đặt ra trong năm 2020. Ảnh :TL |
Theo ước tính của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn, trị giá khoảng 3,07 tỉ đô la Mỹ. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu năm vừa qua giảm khoảng 3,5% so với năm 2019 nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%. Giá xuất khẩu bình quân cả năm ước đạt 499 đô/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019. Đây là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi ích to lớn cho người dân trồng lúa.
Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...
Trong năm 2020, biện pháp tạm dừng xuất khẩu gạo từ 24-3 do Bộ Công thương đề xuất đã gây nên một cuộc tranh cãi kéo dài suốt hơn một tháng và làm ảnh hưởng đến thị trường sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đề xuất của bộ này gửi lên Thủ tướng và được chấp thuận cho dừng vì: Nhu cầu lương thực của thế giới tăng rất mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Bên cạnh nhu cầu tiêu dùng thực tế mà các nước xuất khẩu gạo vẫn có thể đáp ứng, đã xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ chiến lược tại nhiều quốc gia khiến giao dịch gạo trong thời gian đầu tháng 3 rất sôi động, gạo bị hút rất mạnh ra khỏi Việt Nam, giá gạo thế giới liên tục tăng dù Ấn Độ và Việt Nam (2 quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo lớn) được mùa.
Quyết định gây tranh cãi của Bộ Công Thương lúc bấy giờ đã khiến Chính phủ có quyết định thanh tra đột xuất việc xuất khẩu gạo gây những khó khăn, đột biến lên thị trường gạo từ trung tuần tháng 3. Sau đó, đoàn kiểm tra tình hình lúa gạo trong cả nước bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kết quả báo cáo cụ thể. Theo đó, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu thụ và dự trữ năm 2020, lượng thóc còn dư để có thể xuất khẩu là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5 triệu đến 6,7 triệu tấn gạo.
Sau đó, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại từ 30-4-2020, giúp sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh và cán đích năm 6,15 triệu tấn với kim ngạch hơn 3 tỉ đô la Mỹ như kế hoạch đề ra.
Xem thêm: lmth.-331-gnat-man-teiv-auc-0202-man-nauq-hnib-uahk-taux-oag-aig/084213/nv.semitnogiaseht.www