Đồng thời, Sở Công Thương các địa phương cần đôn đốc các DN phân phối thực phẩm trên địa bàn phối hợp với những DN chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp heo thịt cho thị trường và thực hiện việc giảm giá thành phẩm tương ứng cho người tiêu dùng. Trong trường hợp cần thiết, cần có phương án nhập khẩu các mặt hàng thịt gia súc từ nước ngoài để bình ổn thị trường.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo sở công thương các địa phương phối hợp với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nhất là dịch tả heo châu Phi, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt heo và những mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết nguyên đán. Chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung, thịt heo nói riêng dịp cuối năm và Tết Tân Sửu 2021.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, Bộ Công Thương nhận định sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15%-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Theo ông Đông, giá hàng hóa năm nay sẽ không có biến động lớn do nhiều DN bán lẻ đã lên kế hoạch khuyến mại, giảm giá. "Các DN phân phối, nhà bán lẻ đều có kế hoạch tăng thời gian mở cửa, chạy chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh nhận định năm nay có nhiều khó khăn do dịch Covid-19, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, sức mua hạn chế, đồng thời bộ cũng đã tính đến những yếu tố bất thường từ dịch bệnh" - ông Trần Duy Đông cho hay.
Về phía DN, bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết bên cạnh các nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết nguyên đán, DN đã dự trữ nhiều hàng hóa khác với tổng giá trị đạt gần 1.000 tỉ đồng. Các mặt hàng đã cam kết trong chương trình bình ổn thị trường sẽ được cung cấp đầy đủ, với giá trị lên tới hàng trăm tỉ đồng trong dịp Tết nguyên đán. Các chương trình kích cầu tiêu dùng dịp Tết nguyên đán đã được các DN phân phối lên kế hoạch chi tiết với nhiều khuyến mại, giảm giá, tặng kèm sản phẩm, chính sách giao hàng tại nhà. Cùng với hình thức bán hàng trực tiếp tại điểm bán, các đơn vị phân phối còn tập trung đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, giao hàng… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Để bảo đảm cung ứng hàng hóa trong dịp cuối năm, ông Trần Duy Đông cho biết Bộ Công Thương đã đề nghị các Sở Công Thương, các DN phân phối tham gia chương trình bình ổn thị trường tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị, yêu cầu về kế hoạch chuẩn bị Tết của Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, từ đó có kịch bản ứng phó với tất cả tình huống, bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân dịp Tết.
Riêng về mặt hàng thịt heo, ông Trần Duy Đông đề nghị các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà sản xuất điều tiết lượng cung cũng như kế hoạch bán hàng, chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ lợi nhuận của mình, có trách nhiệm với người tiêu dùng, không để giá heo tăng nóng, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát kinh tế vĩ mô của nhà nước.
Xem thêm: mth.33412902260101202-tet-pid-gnort-aoh-gnah-ueiht-ed-gnohk/et-hnik/nv.moc.dln