Thông điệp này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị tổng kết ngành công thương sáng 7/1 khi đề cập tới việc Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là "thao túng tiền tệ".
Theo Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam "rất quyết liệt giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp" bằng các hành động cụ thể. Đến nay, Mỹ và Chính phủ Việt Nam đã có hai cuộc điện đàm thảo luận về vấn đề này, bao gồm cuộc nói chuyện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/12 và giữa Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm qua.
"Tôi đã thuyết phục Tổng thống Trump không áp thuế Việt Nam với lý do cơ cấu sản phẩm, tiêu dùng của từng nước", ông nói.
Theo Thủ tướng, 22h hôm nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ điện đàm với Giám đốc Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) để hiện thực hoá những điều mà lãnh đạo hai nước đã trao đổi trước đó, tiến đến "xoá bỏ vụ việc phức tạp này".
"Vụ việc này nếu không làm tốt sẽ gây hậu quả rất xấu cho đầu tư và thương mại của đất nước", ông nói.
Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cũng đang điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Điều khoản 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Mỹ.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng mạnh trong 4 năm ông Trump làm tổng thống: từ 38,3 tỷ USD năm 2017, tăng lên 39,4 tỷ USD năm 2018, 55,7 tỷ USD năm 2019 và hướng đến đà kỷ lục 65 tỷ USD trong năm nay.
Tại hội nghị này, Thủ tướng cũng một lần nữa nhấn mạnh, chính sách tiền tệ của Việt Nam nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại.
Quan điểm này của Việt Nam cũng từng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra trước đó. Thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của kinh tế Việt Nam.
Việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua là để đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Động thái này đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực, nhằm tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Phương Ánh