6.080 mét vuông 'đất vàng' ở TPHCM chuyển về tư nhân trong vụ án ông Vũ Huy Hoàng
Vân Phong
(TBKTSG Online) – Việc định việc định giá 26% cổ phần của Sabeco tại Sabeco Pear và tiến hành thoái vốn là thủ đoạn cuối cùng khiến tài sản Nhà nước là khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM rơi vào tay tư nhân, theo Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao.
Bên ngoài khu đất tại địa chỉ số 2-4-6 Hai Bả Trưng, quận 1, TPHCM. (Ảnh: TTXVN). |
Bỏ qua chỉ đạo của Chính phủ
Sáng 7-1-2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Vũ Huy Hoàng - cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, cùng 9 đồng phạm trong vụ án sai phạm về đất đai xảy ra tại Sabeco. Nhưng phiên toà đã được hoãn do ba bị cáo gồm: Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thanh Chương, Lê Văn Thanh và nhiều cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt.
Trước đó, cáo trạng của VKSND Tối cao cho biết, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) – một đơn vị thuộc quản lý của Bộ Công Thương - được giao khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghế, quận 1, TPHCM với tổng diện tích 6.080 mét vuông để sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hàng năm.
Năm 2004, Bộ Công nghiệp - nay là Bộ Công Thương - đã có văn bản đồng ý chủ trương di dời văn phòng để đầu tư xây dựng nhà cao tầng tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, trên cơ sở đề nghị của Sabeco
Năm 2006, UBND TPHCM có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời cho các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp đang sử dụng đất để sản xuất kinh doanh trên địa bàn, bao gồm nhà, đất tại địa chỉ đất 2-4-6 Hai Bà Trưng với Sabeco là đơn vị sử dụng.
Tháng 12-2007, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đồng ý chủ trương cho Sabeco này làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng cao ốc phức hợp 45 tầng với khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị và cao ốc văn phòng cho thuê tại khu đất này, sau khi doanh nghiệp có văn bản về việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Để có pháp nhân thực hiện dự án, Sabeco cùng nhiều doanh nghiệp tư nhân thành lập Công ty liên doanh Sabeco Land.
Năm 2011, UBND TPHCM duyệt giá trị quyền sử dụng đất để Sabeco thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được chuyển mục đích sử dụng đất theo giá thị trường là 1.236 tỉ đồng. Nhưng Sabeco không bố trí được do số tiền quá lớn.
Vì vậy doanh nghiệp này đã báo cáo Bộ Công Thương gửi công văn xin thành phố gia hạn thời gian nộp tiền. Còn Công ty liên doanh Sacbeco Land cũng giải thể sau đó do không đủ năng lực tài chính.
Ông Vũ Huy Hoàng (áo màu xám) trên đường tới toà. (Ảnh: TTXVN). |
Về phía Bộ Công Thương, hai lãnh đạo là ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa, cùng ông Phan Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - đã giao Sabeco thực hiện đầu tư dự án bất động sản, dù Chính phủ đã có nghị quyết yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực tài chính, bất động sản. Với các doanh nghiệp đã đầu tư vào các lĩnh vực này, phải sớm có kế hoạch thoái vốn, chấm dứt kinh doanh.
Tháng 4-2014, Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco do ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT, phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco, và nhiều thành viên ký công văn đề xuất Bộ Công thương cho hợp tác với nhóm nhà đầu tư mới, thành lập công ty cổ phần để tiếp tục thực hiện dự án.
Phương án đề xuất là Sabeco sẽ góp 26% vốn điều lệ, gồm: 18% tiền mặt và 8% giá trị lợi thế. Các cổ đông còn lại góp vốn bằng tiền mặt và nộp 1.236 tỉ đồng tiền sử dụng đất cùng tiền nộp phạt quá hạn. Thậm chí Sabeco không phải góp số vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.000 tỉ đồng mà các cổ đông còn lại cam kết thu xếp nguồn tiền cho việc triển khai dự án theo đúng tiến độ.
Còn Sabeco sẽ chuyển quyền sử dụng khu đất cho công ty cổ phần này để triển khai dự án sau đó.
Tháng 6-2014, ông Phan Chí Dũng tham mưu cho bà Hồ Thị Kim Thoa ký công văn trả lời phương án đề xuất của Sabeco thì được yêu cầu gửi dự thảo công văn xin ý kiến chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng trước khi ký phát hành. Ông Hoàng sau đó trực tiếp ghi thêm vào dự thảo văn bản với nội dung: "Việc lựa chọn nhà thầu đầu tư cụ thể, Tổng công ty phải báo cáo Bộ để được xem xét quyết định".
Ba ngày sau, bà Thoa ký công văn và bổ sung ý kiến của Bộ trưởng vào văn bản: “Bộ Công thương đồng ý với đề nghị của Bộ phận quản lý vốn nhà nước về việc lựa chọn nhóm nhà đầu tư mới thay thế nhà đầu tư cũ để triển khai dự án”.
Được lãnh đạo Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương, đại diện của Sabeco đã hợp tác với Công ty Attland, Công ty đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An, Công ty đầu tư Mê Linh để thành lập Công ty cổ phần Sabeco Pearl, vốn điều lệ gần 485 tỉ đồng. Theo đó, Công ty Attland, Hà An và Mê Linh sẽ thực hiện nộp tiền sử dụng khu đất 2-4-6 và tiền phạt do chậm nộp cho nhà nước.
VKSND Tối cao xác định việc đưa giá trị quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng vào liên doanh để đầu tư đã không được định giá theo quy định pháp luật để tính vào phần vốn góp của Sabeco.
Thoái vốn, chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp tư nhân
Tháng 4-2015, ông Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch UBND TPHCM – đã ký quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là hơn 997 tỉ đồng, sau công văn đề nghị của Sabeco. Bên cạnh đó, ông Tín đã chỉ đạo lãnh đạo các Sở đề xuất UBND thành phố xem xét quyết định với đề nghị của Sabeco về việc chuyển quyền sử dụng khu đất cho pháp nhân mới của Sabeco là Sabeco Pearl trong cùng khoảng thời gian.
Tới tháng 6-2015, ông Tín ký công văn chấp thuận cho Sabeco Pearl thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng với giá hơn 997 tỉ đồng với thời hạn 50 năm, sau khi có ý kiến tham mưu của các Sở. Mức giá này thấp hơn mức giá 1.236 tỉ đồng do UBND TPHCM phê duyệt trước đó.
Tiếp đó, ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đã ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với khu đất cho Sabeco Pearl. Rồi ông Tín tiếp tục ký công văn chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc xây dựng, bổ sung thêm chức năng officetel - văn phòng cho thuê và khách sạn, căn hộ ở cho dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, theo đề xuất của ông Trần Chí Dũng - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM.
Về phía nhóm các nhà đầu tư của Sabeco Pearl, nhóm này đã cùng ký công văn gửi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng với nội dung đề xuất ông chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp tại Sabecon Pearl. Trong thời gian chờ phản hồi, nhóm này tiếp tục gửi công văn tới ông Hoàng đề nghị được mua lại toàn bộ phần vốn góp 26% của Sabeco.
Tiếp nối đề xuất của nhóm nhà đầu tư, ông Dũng ký báo cáo gửi ông Hoàng, bà Thoa cho rằng thoái vốn là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và đề nghị Bộ Công thương có công văn yêu cầu bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco xây dựng phương án thoái vốn.
Kết quả, 14,7 triệu cổ phần - tương đương 26% vốn nhà nước của Sabeco – được định giá 14.433 đồng mỗi cổ phần, sau khi quy hoạch khu đất được điều chỉnh theo hướng bổ sung chức năng căn hộ ở. Nhưng ông Hoàng cho rằng giá 14.433 đồng mỗi cổ phần là giá giả định trong tương lai khi khu đất có chức năng căn hộ ở và quyết định giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn là 13.247 đồng mỗi cổ phần.
Ông Hoàng và bà Thoa sau đó đều phê duyệt giá này khiến 26% vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl được Công ty Attland mua lại với số tiền 196,645 tỉ đồng. Từ đó, Sabeco rút khỏi liên doanh Sabeco Pearl.
Tháng 10-2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đổi tên Sabeco Pearl thành Công ty cổ phần đầu tư Quảng trường Mê Linh. Cùng lúc, những người đại diện phần vốn góp nhà nước tại Sabeco hết nhiệm vụ nên dự án tại khu đất 2-4-6 lúc này được chuyển toàn bộ sang nhà đầu tư là doanh nghiệp tư nhân.
Theo VKSND Tối cao, giá trị quyền sử dụng khu đất 2-4-6 là hơn 3.800 tỉ đồng, theo kết quả giám định tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự là ngày 8-11-2018. Còn giá trị 26% vốn góp của Sabeco là 465 tỉ đồng tại thời điểm ngày 1-4-2016.
Vì vậy, cơ quan này xác định việc định giá, thoái vốn là thủ đoạn cuối cùng làm mất tài sản và là cơ sở để tư nhân chiếm tài sản nhà nước. Mức thiệt hại ước tính hơn 2.700 tỉ đồng.
9 bị cáo được triệu tập tới phiên toà cùng bị cáo Vũ Huy Hoàng gồm: - Phan Chí Dũng - sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương; - Nguyễn Hữu Tín - sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM; - Lâm Nguyên Khôi - sinh năm 1955, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM; - Đào Anh Kiệt - sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM; - Lê Văn Thanh - sinh năm 1962, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM; - Lê Quang Minh - sinh năm 1957, nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng thuộc Sở KHĐT TPHCM, - Nguyễn Thanh Chương - sinh năm 1974, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TPHCM; - Trương Văn Út - sinh năm 1970, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TNMT TPHCM; - Nguyễn Lan Châu - sinh năm 1975, nguyên chuyên viên Sở TNMT TPHCM. |