Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Matthews (trái) và Chánh văn phòng đệ nhất phu nhân Stephanie Grisham đã tuyên bố từ chức - Ảnh: AFP
Thông tin ông Pottinger từ chức được đài CNN trích dẫn từ "một nguồn tin thân cận với phó cố vấn an ninh quốc gia". Theo lời người này, ông Pottinger nói "không có gì phải cân nhắc" việc tiếp tục ở lại chính quyền Trump sau biến cố ở điện Capitol. Hiện ông Pottinger chưa đưa ra tuyên bố chính thức.
Trước đó, theo các nguồn tin riêng của CNN, các quan chức thân cận với Tổng thống Trump không chấp nhận được sự hỗn loạn gây ra bởi những người ủng hộ Trump và đang cân nhắc từ chức.
"Tôi sẽ rời khỏi vai trò này ngay lập tức"
Trước đó, phó thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Matthews đã công khai xác nhận cô sẽ rời chính quyền Trump. Chia sẻ sau quyết định từ chức, Matthews nhấn mạnh cô bị sốc khi chứng kiến những gì xảy ra tại điện Capitol - nơi đặt trụ sở quốc hội.
"Tôi sẽ rời khỏi vai trò này ngay lập tức. Nước Mỹ cần một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình", cô Matthews khẳng định.
Hàng trăm người biểu tình quá khích đã phá hàng rào cảnh sát và tràn vào trụ sở Quốc hội Mỹ ngay trong lúc các nghị sĩ kiểm phiếu cử tri đoàn. Tổng thống Trump trước đó đã kêu gọi người ủng hộ ông kéo về thủ đô Washington trong ngày quốc hội xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden.
Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien, phó cố vấn an ninh quốc gia Matt Pottinger, phó chánh văn phòng Chris Liddell nằm trong số những cái tên được đài CNN khẳng định là "đang cân nhắc từ chức".
Ông O'Brien, một người được đánh giá là ủng hộ Trump, đã có hành động thể hiện sự đối đầu với tổng thống.
"Tôi đã nói chuyện với Phó tổng thống Mike Pence, một người tốt và đàng hoàng. Ông ấy đã cho thấy sự dũng cảm của mình như ông ấy đã làm ở điện Capitol vào ngày xảy ra vụ khủng bố ngày 11-9. Tôi tự hào vì đã phụng sự ông ấy", ông O'Brien nói.
Không chỉ các quan chức ở Cánh Tây Nhà Trắng (nơi làm việc của Tổng thống Trump) từ chức, một số quan chức cấp cao ở Cánh Đông - nơi đặt văn phòng đệ nhất phu nhân - cũng dứt áo ra đi.
Bà Stephanie Grisham, chánh văn phòng của đệ nhất phu nhân Melania, đã nộp đơn từ chức ngay sau khi xảy ra vụ xâm nhập Quốc hội. Vài giờ sau đó, thư ký các vấn đề xã hội Anna Cristina “Rickie” Niceta trở thành quan chức thứ hai của Cánh Đông từ chức.
Trong phiên kiểm phiếu cử tri đoàn ngày 6-1, Phó tổng thống Pence tuyên bố ông không có quyền đơn phương hủy bỏ kết quả bầu cử của bang nào, nhưng hoan nghênh các nghị sĩ nêu ra lo ngại của mình.
Một số nguồn tin của CNN cho biết Tổng thống Trump đã cấm chánh văn phòng của ông Pence, ông Marc Short, đặt chân tới Cánh Tây sau các phát ngôn của phó tổng thống.
Những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump leo tường vào tòa nhà Quốc hội ở đồi Capitol ngày 6-1-2021 - Ảnh: REUTERS
Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ kêu gọi bãi nhiệm ông Trump
Ông Jay Timmons, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia Mỹ, đã lên tiếng chỉ trích gay gắt: "Ông Trump đã kích động bạo lực trong nỗ lực duy trì quyền lực, và bất kỳ nhà lãnh đạo được bầu nào bảo vệ ông ấy cũng vi phạm lời thề của họ trước hiến pháp, quay lưng với nền dân chủ".
"Phó tổng thống Mike Pence, người đã được sơ tán khỏi Điện Capitol, nên nghiêm túc cân nhắc làm việc với nội các để viện dẫn Tu chính án thứ 25 nhằm bảo vệ nền dân chủ" - ông Timmons kêu gọi.
Một điều khoản trong Tu chính án thứ 25 Hiến pháp Mỹ cho phép phó tổng thống lên nắm quyền nếu tổng thống không đủ năng lực đảm trách công việc.
Tổng thống Trump còn 14 ngày tại vị trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1, theo hãng tin Reuters.
Tình trạng hỗn loạn khi người biểu tình ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol đã buộc quốc hội phải tạm hoãn cuộc họp bàn xác nhận chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Khung cảnh hỗn loạn diễn ra sau khi ông Trump có bài phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ gần Nhà Trắng, lặp lại những tuyên bố vô căn cứ về một cuộc bầu cử bị đánh cắp bởi sự gian lận phiếu bầu.
Các nhóm doanh nghiệp khác, trong ngày 6-1, cũng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ nhưng không đến mức kêu gọi bãi nhiệm Tổng thống Trump.
Business Roundtable - một hiệp hội các giám đốc điều hành của một số công ty lớn tại Mỹ, nói rằng "hỗn loạn đang diễn ra tại thủ đô là kết quả của những nỗ lực bất hợp pháp nhằm lật ngược kết quả của một cuộc bầu cử dân chủ".
Hiệp hội này kêu gọi ông Trump và "tất cả các quan chức có liên quan chấm dứt tình trạng hỗn loạn, và tạo điều kiện cho quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình".
"Những người chịu trách nhiệm cho cuộc nổi loạn này phải giải trình, và chúng ta phải hoàn tất quá trình chuyển giao cho chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden" - ông Tim Cook, giám đốc điều hành Apple, nói.
Ông Jamie Dimon, chủ tịch và giám đốc điều hành JPMorgan, cho biết: "Các lãnh đạo được bầu của chúng ta có trách nhiệm kêu gọi chấm dứt bạo lực, chấp nhận kết quả và, theo nền dân chủ hàng trăm năm của chúng ta, ủng hộ một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình".
Giám đốc điều hành tập đoàn Blackstone Steve Schwarzman, một đồng minh của ông Trump, tuyên bố: "Cuộc nổi loạn sau tuyên bố của tổng thống ngày hôm nay là kinh khủng, là sự sỉ nhục đối với các giá trị dân chủ của người Mỹ. Tôi sốc và cảm thấy khủng khiếp trước nỗ lực phá hoại hiến pháp của đám đông này".
TTO - Một số đảng viên Cộng hòa đã chỉ trích Tổng thống Trump sau khi đám đông biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ khiến công tác kiểm phiếu đại cử tri phải tạm dừng.
Xem thêm: mth.47744749070101202-oh-gnu-ueihn-id-tam-pmurt-gno-lotipac-iod-o-naol-oab-ed/nv.ertiout