Doanh nghiệp thiệt hại tiền tỉ
Theo đó, liên tiếp mấy ngày cuối tháng 12/2020, hàng chục doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu (XK) đá vật liệu xây dựng (VLXD) đã gửi công văn cầu cứu tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phản ánh các DN này, nhiều năm qua hoạt động XK đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi diễn ra bình thường, thực hiện theo Thông tư 05/2019 của Bộ Xây dựng.
Trong khi hoạt động XK đá xây dựng đang diễn ra bình thường thì theo các DN này, ngày 22/12/2020, Tổng cục Hải quan ra công văn hỏa tốc số 8019 quy định: Mặt hàng XK đá vôi, đá chứa canxi (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng), đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 thì thuộc nhóm 25.21, chịu thuế XK 17%, không phải 15% như trước đây. DN XK phải có giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Tổng cục Hải quan cho rằng thời gian qua xảy ra tình trạng nhập nhằng trong hồ sơ XK đối với mặt hàng khai báo là đá vôi, đá chứa canxi, đá xây dựng...Do đó, Tổng cục yêu cầu Cục hải quan các tỉnh, thành phố rà soát các tờ khai XK và hồ sơ XK đối với mặt hàng khai báo là đá vôi, đá chứa canxi, đá xây dựng…, đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 nhưng chưa phân loại (thuộc nhóm 25:21) để phân loại và áp dụng mức thuế đúng, thu đủ thuế và xử phạt theo quy định.
Sau khi có công văn hỏa tốc nêu trên, các cục Hải quan đồng loạt dừng tiếp nhận tờ khai, dừng thông quan hàng hóa.
“Kể từ thời điểm ban hành công văn trên đến 28/12/2020, trong cộng đồng DN có 7 chuyến hàng bị tắc nghẽn vì vấn đề phân loại hàng hóa. Tổn thất số lượng hàng hóa tới ngày 28/12 trên 8 tỉ đồng và tiếp tục gia tăng mỗi ngày 2 tỉ đồng nếu không được tháo gỡ. .”, đại diện các DN đá VLXD cho biết.
Mấu chốt vấn đề nằm ở giấy phép
Theo các DN XK nhóm hàng trên, công văn của Tổng cục Hải quan sẽ làm giảm nguồn thu NSNN từ thuế XK mặt hàng này 30 tỉ đồng mỗi tháng. Chưa kể các đối tác nước ngoài của họ cũng bày tỏ quan ngại, có thể hủy bỏ đơn hàng tìm các đối tác mới.
“Năm 2020, các DN XK VLXD đã đóng góp hơn 250 tỉ đồng tiền thuế XK cho ngân sách nhà nước (NSNN). Hiện nay, trung bình mỗi tháng các DN XK đá nộp thuế XK khoảng 30 tỉ đồng”, đại diện Cty CP sản xuất và thương mại Toàn cầu Thành đạt cho biết.
Liên quan tới vấn đề này, ngày 6/1, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị này đã cử một tổ công tác do một cục phó dẫn đầu lên làm việc với Tổng cục Hải quan cùng đại diện các bộ ngành để tháo gỡ vướng mắc.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngày 31/12/2020, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị khác trả lời về việc phân loại mặt hàng đá.
Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, trong thời gian rà soát, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm định hải quan, một số cục hải quan địa phương đã lấy mẫu để phân tích phân loại đối với 2 lô hàng khai báo ngày 17/12 của Cty TNHH XK Quốc tế GIMEXCO, và Cty TNHH SX và TM Toàn Cầu Thành Đạt.
Cả hai DN này đều khai báo mã số hàng hóa 2517.49.00.30 (thuế suất thuế XK 15%) được mở tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả (Cục Hải quan Quảng Ninh).
“Trên cơ sở kết quả giám định ngày 25/12/2020 của Chi nhánh công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC tại Hải Phòng, thông báo kết quả phân tích các mẫu hàng thuộc 2 tờ khai trên là đá có nguồn gốc từ đá vôi có thành phần Canxi Cacbonat (CaC03) trên 85% và Magie cacbonat (MgC03) dưới 7%, mã số 2521.00.00 (thuế suất thuế XK 17%)”, công văn do Tổng cục phó Lưu Mạnh Tưởng ký nêu rõ.
Như vậy, các lô hàng trên sẽ phải chịu thuế XK 17% thay vì 15% như trước đây các DN được hưởng, các DN buộc phải bổ sung tờ khai, điều chỉnh giá khai báo.
Ngày 7/1, trả lời Tiền Phong, Tổng cục phó Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, mấu chốt vấn đề bây giờ phụ thuộc vào việc Bộ Tài nguyên và Môi trường có khẩn trương rà soát, kiểm tra và cấp giấy phép XK đá vôi cho các DN trên hay không.
“Nhanh hay chậm bây giờ phụ thuộc vào Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo quy định, với hàng hóa đá XK có mã 2521 – xuất khẩu để làm xi măng thì DN buộc phải có giấy phép XK do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, không chấp nhận giấy phép do UBND tỉnh cấp cho VLXD thông thường. Bên cạnh đó, DN phải bổ sung tờ khai, đủ giấy tờ mới được XK”, ông Lưu Mạnh Tưởng cho biết thêm.
Xác nhận với Tiền Phong chiều 6/1, đại diện Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, lãnh đạo Tổng cục Hải quan thông tin đã gửi công văn đề nghị họp tiếp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để đưa ra kết luận cuối cùng, sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN.
Tuấn Nguyễn
Tiền phong