Một tòa án ở Baghdad (Iraq) hôm 7-1 phát lệnh bắt đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump để phục vụ điều tra vụ Tướng Qassem Soleimani của Iran và một lãnh đạo của lực lượng dân quân Iraq chết trong vụ không kích của Mỹ hồi tháng 1-2020, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Nhà Trắng phát biểu ngày 5-11-2020. Ảnh: Evan Vucci/AP
Một tòa án điều tra ở quận al-Rusafa (Baghdad, Iraq) đã ra lệnh bắt đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hội đồng Tư pháp tối cao Iraq cho biết trong một tuyên bố trên trang web của họ.
Tòa án này có nhiệm vụ điều tra vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ giết chết Tướng Soleimani – chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran và ông Abu Mahdi al-Muhandis - lãnh đạo Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF)của Iraq được Iran hậu thuẫn.
Các thủ tục chống lại ông Trump được thực hiện theo Điều 406 của Bộ luật Hình sự Iraq, trong đó xử lý vụ giết người có tính toán và nghiêm trọng, tuyên bố cho biết.
Hội đồng Tư pháp Tối cao Iraq cho hay hồi cuối tháng 12-2020, tòa al-Rusafa nghiên cứu những video ghi lại những bình luận của ông Trump về vụ việc.
Quyết định phát lệnh bắt đối với ông Trump được thực hiện sau khi tòa ghi lại lời khai của gia đình ông Abu Mahdi al-Muhandis.
Tòa al-Rusafa cho biết cuộc điều tra sơ bộ đã hoàn tất nhưng vẫn tiếp tục điều tra để tìm ra những thủ phạm khác trong vụ việc này, có thể là người Iraq hoặc người nước ngoài.
Lệnh bắt không có khả năng được thực hiện mà chỉ mang tính tượng trưng trong những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Trump.
Iran hồi tháng 6-2020 đã ra lệnh bắt đối với ông Trump, đồng thời yêu cầu cảnh sát quốc tế (Interpol) phát thông báo đỏ đến các lực lượng cảnh sát khác trên thế giới. Tuy nhiên, yêu cầu này đến nay chưa được thực hiện.
Tháng 1-2020, ông Al-Muhandis và ông Soleimani bị giết chết trong cuộc không kích của Mỹ gần sân bay quốc tế Baghdad (Iraq). Năm 2009, giới chức Mỹ liệt ông Al-Muhandis và ông Soleimani vào danh sách đen và cáo buộc hai người này âm mưu tổ chức các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào người Mỹ ở Iraq.
Vụ Mỹ không kích chết ông Soleimani dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao và làm quan hệ Mỹ-Iran thêm căng thẳng. Vụ việc còn khiến các nhà lập pháp chính trị dòng Shiite phẫn nộ và đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc để gây sức ép buộc chính phủ Iraq yêu cầu quân đội nước ngoài rút quân khỏi nước này.
Bà Agnes Callamard, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về hành quyết phi pháp và không qua xét xử mô tả vụ sát hại hai người này là “tùy tiện” và “bất hợp pháp”.