Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngành dệt may Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết như: FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EAEU, CPTPP, EVFTA…
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 28,1 tỷ USD, nhưng đến năm 2019 đã đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 9,55%.
Đặc biệt, giá trị xuất siêu có sự tăng nhanh, nếu như năm 2016 đạt 11,1 tỷ USD, năm 2019 đạt 16,9 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam từ chỗ năm 2016 đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ thì đến năm 2019 đã vượt lên trên Ấn Độ, đứng thứ 3 thế giới.
Bước sang năm 2020, dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ cả phía cung và phía cầu, dệt may là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. Với sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ và châu Âu trong bối cảnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã tác động rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 45% và 18% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may.
Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may năm 2020 ước đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019. Tuy nhiên, đây vẫn là mức rất tích cực trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.
Đối với ngành da giày, trong năm 2020, ngành da - giày cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhất là khi các nước là thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giầy như Mỹ và EU (thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 36% và 27% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam) tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nếu như năm 2019, xuất khẩu giày dép, túi xách Việt Nam đạt 22 tỷ USD (tăng 12% so với năm 2018), thì năm 2020 dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 20 tỷ USD, giảm khoảng 2 tỷ USD so với 2019 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Để khôi phục và phát triển ngành dệt may, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, quảng bá sản phẩm sang các thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, tránh rủi ro đồng thời đảm bảo được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các FTAs; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối và mở rộng thị trường, ưu tiên khai thác nhu cầu tiêu dùng trong nước, tránh để phụ thuộc vào một thị trường.
Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giầy đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giầy giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” về nguyên phụ liệu, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế, sản xuất; đồng thời tận dụng hiệu quả cao nhất các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP.
Đối với da giày, tập trung tháo gỡ những khó khăn nội tại, giữ vững thị trường xuất khẩu, đi đôi với phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh bán hàng để khai thác tối đa thị trường trong nước. Tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm da giày Việt Nam tại Hoa Kỳ và các thị trường thuộc EU. Bám sát diễn biến thị trường, nắm bắt thông tin nhằm điều chỉnh định hướng sản xuất, kinh doanh kịp thời.
Xem thêm: mth.13013036170101202-91-divoc-iv-dsu-yt-gnah-ioh-cob-yaig-ad-yam-ted-uahk-taux/nv.ymonocenv