Jeff Bezos và các khoản đặt cược táo bạo
Jeff Bezos là người đầu tiên trên thế giới có khối tài sản 200 tỷ USD. Vốn hóa Amazon đã vượt mức 1.600 tỷ USD, con số này cho thấy vị CEO của công ty đã làm rất tốt công việc của mình. Tuy nhiên, để đến được thành công như ngày nay, Jeff Bezos cũng đã mắc không ít sai lầm.
"Những sai lầm của tôi tại amazon.com đã tiêu tốn hàng tỷ USD", Bezos phát biểu tại hội nghị của Bussiness Insider hồi năm 2014.
Từ những ngày đầu của Amazon, Bezos đã nuôi tham vọng biến đế chế của mình thành "cửa hàng bán mọi thứ". Đến năm 1998, Amazon bán sách, nhạc, phim và nhanh chóng trở thành công ty trực tuyến hàng đầu trong những lĩnh vực này. Bước tiếp theo, Bezos muốn lấn sân sang thị trường đồ chơi.
Để làm được điều này, Amazon sẽ phải mua hàng từ hàng loạt nhà sản xuất, trữ chúng trong kho và hy vọng sẽ tiêu thụ hết hàng. Mọi giám đốc cấp cao của Amazon kịch liệt phản đối, nhưng Bezos kiên quyết chi 120 triệu USD để mua đồ chơi, tuyên bố: "Tôi sẽ tự lái xe đến bãi rác" nếu chúng không bán hết.
Sau dịp Giáng sinh 1998, Amazon còn thừa lượng đồ chơi trị giá 50 triệu USD, không có chỗ chứa và không chắc sẽ có người mua. Lúc này lựa chọn dễ nhất là vứt đống đồ chơi này đi, đúng như lời Bezos nói. Cuối cùng Amazon tặng đồ chơi cho các tổ chức từ thiện và bán phần còn lại cho các nhà xuất khẩu với giá rẻ mạt, tạp chí CSQ cho biết.
Bezos còn mơ ước sở hữu nhiều doanh nghiệp trực tuyến khác nhau. Trong hai năm 1998 và 1999, Bezos vung tiền mua trang phim IMDb, công ty dữ liệu Alexa, một hiệu sách của Anh và một hiệu sách của Đức. Ông cũng rót tiền vào Drugstore.com, Pets.com, Gear.com, WineShopper, Greenlight và HomeGrocery. Nhưng kết quả thì giống như cuốn sách The Everything Store của nhà báo Brad Stone viết: "Gần như tất cả các khoản đầu tư đều chìm trong biển lửa".
Theo Investopedia, sai lầm lớn nhất của Amazon và Bezos cho đến nay là điện thoai Fire Phone. Bezos muốn tạo ra smartphone để tăng tính trung thành của khách hàng. Đích thân ông giám sát dự án.
Fire Phone ra mắt với mức giá 199 USD, nhưng người tiêu dùng không để mắt đến chúng. Amazon liên tục phải giảm giá xuống mức kịch sàn còn 0,99 USD. Nhưng rốt cuộc mọi người vẫn không đoái hoài đến những chiếc smartphone này. Kết cục, Amazon mất 170 triệu USD với dự án điện thoại.
Theo The Guardian, Bezos giải thích rằng rất nhiều thử nghiệm của ông đã thành công, bao gồm Amazon Web Services, Kindle, Amazon Prime, and Amazon Marketplace. Những thử nghiệm này đã tạo ra Amazon ngày hôm nay và tài trợ cho các dự án khác.
Bezos nói: "Nếu bạn thực hiện những khoản đặt cược táo bạo, chúng sẽ trở thành các cuộc thử nghiệm. Và thử nghiệm là những thứ mà bạn không biết liệu có thành công hay không".
Jamie Dimon và Cá voi London
Jamie Dimon là một trong những người giàu nhất của ngành ngân hàng. Theo Forbes, vị CEO của JPMorgan sở hữu số tài sản 1,6 tỷ USD. Kể từ khi Dimon lên nắm quyền từ năm 2006, tài sản của JPMorgan tăng 100% còn giá cổ phiếu tăng gần gấp 4 lần.
Tuy nhiên, một lãnh đạo khôn ngoan như Dimon cũng không tránh khỏi sai lầm. Ông từng bị bẽ mặt và giảm nửa lương bởi cách xử lý sai lầm trong vụ bê bối "Cá voi London" khiến JPMorgan lỗ 6,2 tỷ USD.
Tháng 4/2012, Bloomberg và Wall Street Journal đăng tin rằng văn phòng đầu tư của JPMorgan đang ở trong vị thế cực kỳ rủi ro bởi những khoản đặt cược cực lớn vào các công cụ phái sinh tín dụng. Những giao dịch này bắt nguồn từ văn phòng London của JPMorgan. Người chịu trách nhiệm chính là Bruno Iksil - một nhà đầu tư mà sau này sẽ bị gán với biệt danh "cá voi".
Thay vì kiểm tra kỹ tình hình, Dimon phủi tay và nói rằng hai tờ báo trên khiến "chuyện bé xé ra to". Chưa đầy một tháng sau, Dimon dịu giọng và mô tả giao dịch của JPMorgan là "sai sót, phức tạp, không được xem xét kỹ, thực thi kém và giám sát kém".
Vụ bê bối này dẫn đến tổn thất nặng nề cho ngân hàng, hàng loạt phiên điều trần của Quốc hội và báo cáo gay gắt của tiểu ban Thượng viện.
Trong lá thư gửi cổ đông tháng 4/2013, Dimon cay đắng thừa nhận: "Cá voi London là tình huống ngu ngốc và đáng xấu hổ nhất mà tôi từng tham gia".
Bài học xương máu rút ra cho JPMorgan và ngành tài chính nói chung là cẩn trọng, làm việc phù hợp với chuyên môn và không giao tiền cho một kẻ liều lĩnh được mệnh danh "cá voi". Bởi vì giống với câu nói yêu thích của Warren Buffett: "Khi cá voi trồi lên mặt nước, nó sẽ bị trúng lao".
Warren Buffett và sai lầm 200 tỷ USD
Với các khoản đầu tư thông minh, Warren Buffett được nhiều người ngưỡng mộ và được gọi là "Nhà hiền triết xứ Omaha". Nhưng trong giai đoạn đầu sự nghiệp, ông đã đưa ra quyết định hấp tấp và phải trả giá đắt.
Vào những năm 1960, Warren Buffett mua cổ phiếu của Berkshire Hathaway và bán lại cho chính công ty dệt may này để thu về khoản lợi nhuận nhỏ.
Warren Buffett và CEO Berkshire đạt được thỏa thuận về giá chào mua. Nhưng khi văn bản được gửi đến qua thư, Warren Buffett nhận thấy rằng giá vị CEO đưa ra thấp hơn 1/8 điểm so với mức hai người đồng ý trước đó.
Warren Buffett muốn trả đũa nên đã mua lại đa số cổ phần của Berkshire để tống cổ kẻ lật lọng. Nhưng qua đó, ông đã tự trói mình vào một công ty dệt may bên bờ phá sản. Khi nhìn lại, Warren Buffett nói rằng lẽ ra ông nên dùng tiền để đầu tư vào nơi khác và gọi đây là sai lầm "200 tỷ USD".
Theo Business Insider, một sai lầm khủng khiếp khác của Warren Buffett là mua Dexter Shoe trong năm 1993 với giá 25.203 cổ phiếu hạng A của Berkshire Hathaway, trị giá khi đó khoảng 433 triệu USD và trị giá hiện nay là 8,6 tỷ USD.
Trong lá thư gửi cổ đông 1993, Warren Buffett ca ngợi Dexter là "viên ngọc quý" và việc thanh toán bằng cổ phiếu Berkshire là quyết định đúng đắn.
Nhưng Warren Buffett đã sai lầm nghiêm trọng về triển vọng của Dexter, ông không nhận ra mối đe dọa sẽ nhấn chìm công ty: giày nhập khẩu giá rẻ từ các nước có mức lương thấp. Ông nói rằng nhà máy của Dexter "có thừa khả năng cạnh tranh với mọi đối thủ mới muốn gia nhập thị trường".
Liên tục trong các lá thư gửi cổ đông năm 2000, 2001, 2007 và 2014, Warren Buffett bày tỏ nuối tiếc về về khoản đầu tư vào Dexter.
"Sai lầm kinh khủng nhất là Dexter Shoe. Khi chúng tôi mua Dexter vào năm 1993, công ty có thành tích tuyệt vời và không có vẻ gì là mẩu thuốc lá đang tàn".
"Với tư cách là thảm họa tài chính, vụ này xứng đáng có một vị trí trong Sách Kỷ lục Guinness Thế giới," ông nói thêm.
Xem thêm: mth.27090837160101202-ym-uhp-yt-ueis-cac-auc-aig-tad-mal-ias-gnuhn/nv.zibmanteiv