Người mua người bán tấp nập tại chợ hoa từ 10h tối và nỗi lo không bán hết hàng của nhiều tiểu thương tại chợ hoa - Ảnh: HÀ QUÂN
Từ nửa đêm, những người làm nghề bốc vác, cắm hoa, những tiểu thương buôn bán ở chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) đã quay cuồng mưu sinh để kiếm thêm thu nhập.
Khi những xe chở hoa hối hả, "rồng rắn" từ khắp các làng hoa Mê Linh, Tây Tựu… đổ về chợ là lúc công việc của họ vất vả, bận rộn nhất.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn bán được hàng. Đêm đã muộn, chợ đã vãn, người mua thưa dần nhưng gánh hàng hoa cúc của chị Nguyễn Thị Kim Liên (28 tuổi) vẫn còn đầy ắp, vàng cả một khoảng chợ.
"Hoa cúc thường ngày lễ khách mới hỏi nên mình bán giữ mối. Ngày trước, có cả khách Tây chơi đêm mua hoa, giờ không có nên cũng mất một khoản kha khá" - chị Kim Liên bộc bạch.
Anh Nguyễn Văn Hưng - một người vận chuyển hoa thuê - thổ lộ: "Ngày mưa cũng như ngày nắng, cứ 9h tối anh em có mặt ở cổng chợ. Ai thuê chở hoa thì chở. Mỗi ngày thu nhập khoảng 250.000-300.000 đồng. Trời lạnh thì không hơn mấy vì chủ bán chậm nên không trả cao được".
Tương tự, tờ mờ sáng, hàng chục xe tải lớn nhỏ chở đầy cá chép, cá trắm, cá trôi, cá mè… từ khắp các tỉnh lân cận về làng cá Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội trong cái rét buốt giá dưới 10 độ C.
Người lao động vất vả mưu sinh, mặc những chiếc áo mưa bằng nilông trong giá rét Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN
Chị Trần Thị Linh - một tiểu thương kinh doanh trong chợ - chia sẻ: "Giá cá không cố định đâu, hôm nay mua vào 100.000 đồng/cân trắm đen, 50.000 đồng/cân cá chép, nhưng ngày mai khéo chỉ được 70, 80% vì giờ nhiều người nuôi quá. Trước không có siêu thị, người dân còn đi chợ, giờ bán chậm lắm, chủ yếu làm để giữ mối".
Chung khó khăn, anh Thành, một chủ xe cá có 15 năm kinh nghiệm, chia sẻ gần đây anh chỉ nhập 50% hàng so với trước kia. Giá dầu, tiền vay ngân hàng… tăng khiến cuộc sống người lao động rất khó khăn.
"Quen mùi cá, quen mùi muối, cũng là nghề cha truyền con nối, giờ cố bám trụ qua tết rồi tính việc gì khác để làm chứ không trụ được nữa" - anh Thành buồn bã nói.
Nhọc nhằn khiêng đá trong giá rét Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN
Những tưởng chỉ có người bán cá vùi tay vào bể nước lạnh là khổ nhất thì có những người còn vất vả hơn, đó là những người khiêng đá. Đá ở đây là đá lạnh, đóng từng khối nặng 50kg để ướp cá, làm mát nước trong bể cá.
Khi hỏi chuyện, anh Minh - một người chuyên khiêng đá - chìa đôi bàn tay chai sạn ra tâm sự: "Cực lắm, trời lạnh mà lương chỉ được 150.000 đồng/ngày. Lúc làm, nước đá tan ra, thấm vào từng lớp áo, lạnh cắt da cắt thịt nhưng không dám thay vì xong khách này khách kia lại gọi. Lúc chuyển đá phải ôm vào người vì nó trơn, tuột tay là vỡ tan. Mà toàn tay trần, dùng găng cao su thì dính, găng len thì thấm lạnh".
TTO - Sáng 8-1, nhiệt độ tại Hà Nội giảm xuống 9 độ C, trời rét hại, gió mạnh càng gây thêm cảm giác buốt giá. Các em học sinh và người dân thủ đô co ro đi học, đi làm trong đợt rét mạnh nhất kể từ đầu mùa.
Xem thêm: mth.39194843180101202-aig-toub-ter-iac-ioud-hnal-ad-gneihk-nart-yat/nv.ertiout