Triển lãm thu hút nhiều bạn trẻ - Ảnh: T.ĐIỂU
Trưng bày được tổ chức nhằm thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 25-1 đến 2-2) và 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), khai mạc ngày 8-1, được trưng bày lâu dài đón công chúng ghé thăm.
Hình ảnh Bác Hồ bắt nhịp Bài ca Kết đoàn được chọn làm hình ảnh chủ đề dẫn người xem bước vào không gian trưng bày - Ảnh: T.ĐIỂU
Trưng bày gồm 2 nội dung: Dấu ấn nơi miền quê và Dưới cờ Đảng vẻ vang.
Với phần Dấu ấn nơi miền quê, trưng bày mang đến những câu chuyện kể về những người con ưu tú trong cùng gia đình, dòng họ ở 5 địa phương, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trải qua những năm tháng quật cường trong nhà tù thực dân.
Nhiều cán bộ lão thành cách mạng tham dự khai mạc triển lãm không khỏi xúc động khi nhìn lại quãng đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình và đồng chí - Ảnh: T.ĐIỂU
Đó là quê hương Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội - nơi thành lập chi bộ Đông Phù, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.
Công chúng được tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của những người con quê hương Đông Mỹ như cố Tổng bí thư Đỗ Mười, Nguyễn Thị Tam, Nguyễn Thọ Chân, Phạm Gia, Phạm Thạch Tâm…
Công chúng cũng được tìm hiểu về hai anh em cùng theo cách mạng là Mai Lập Đôn và Mai Ngọc Thuyết - những đảng viên xuất sắc thời dựng Đảng - đã chọn nhà số 8, phố Ô Chợ Dừa (nay thuộc khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) là nơi sinh sống, là địa điểm liên lạc bí mật.
Phần trưng bày Dưới cờ Đảng vẻ vang đem đến niềm tự hào cho mỗi người dân Việt Nam khi nhìn lại những thành quả lớn của đất nước - Ảnh: T.ĐIỂU
Rời Hà Nội, công chúng được về với Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) để tìm hiểu về những người con yêu nước nơi đây như Tô Chấn, Tô Hiệu, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Lương, Nguyễn Tài…
Trong đó, nhiều người sẽ hào hứng được biết thêm về Nguyễn Công Hoan không chỉ là một nhà văn tài năng mà còn là một chiến sĩ cách mạng can trường, đặc biệt là thông tin cả gia đình ông, các em trai ông và hai người con trai của ông đều là những chiến sĩ cách mạng kiên trung, có đóng góp lớn cho cách mạng như em trai Lê Văn Lương, con trai Nguyễn Tài Đông (hay Nguyễn Tài) và Nguyễn Tài Khoái.
Xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định lại là quê hương của nhiều người con ưu tú trong đó có ba anh em: đồng chí Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải), thượng tướng Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh), đại tướng Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống).
Bình hoa, lược của ông Đinh Đức Thiện và Mai Chí Thọ được trưng bày trong triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU
Xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) là vùng đất nổi tiếng với bề dày lịch sử, đặc biệt là trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Nơi đây, giai đoạn 1925 - 1945 có hai anh em gia đình họ Tôn đều là hai chiến sĩ cách mạng kiên cường là Tôn Quang Phiệt và Tôn Thị Quế.
Phần nội dung thứ 2 - Dưới cờ Đảng vẻ vang khái quát lại chặng đường dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua những chặng đường khó khăn sau chiến tranh, trong đó người xem được hiểu về quyết tâm đổi mới đất nước cũng như quyết tâm phòng chống tham nhũng hiện nay và cuộc chiến chống COVID-19 đầy tự hào và xúc động của đất nước trong năm qua.
TTO - Tại Hội nghị Trung ương 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Đại hội XIII từ ngày 25-1-2021 đến 2-2-2021 tại thủ đô Hà Nội.
Xem thêm: mth.9864620280101202-naod-tek-ac-iab-ial-coh/nv.ertiout