Trong năm 2020, các lượng lượng đã phát hiện 565 vụ giả danh các cơ quan, tổ chức nhà nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Ban Chỉ đạo 138/CP vừa có báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm năm 2020 trong đó chỉ ra tình hình, diễn biến của các loại tội phạm trong năm qua.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 138/CP cho biết, thời gian qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực với các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn và gia tăng trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.
Tình trạng trộm cắp, lừa đảo, mua bán thông tin thẻ tín dụng xảy ra nhiều, nhất là các vụ lừa đảo thương mại điện tử, giả danh cơ quan chức năng. Theo Ban Chỉ đạo 138/CP, trong năm 2020, các lượng lượng đã phát hiện 565 vụ giả danh các cơ quan, tổ chức nhà nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, các hoạt động quảng cáo, mua bán giấy tờ giả; mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hàng cấm, diễn ra công khai trên không gian mạng. Dẫn chứng cụ thể được nêu ra như vụ phát hiện tại khoản “Mua bán, trao đổi súng quân dụng”, “Shop mua bán súng K54, K59 các loại ship toàn quốc” đăng bài viết, video quảng cáo nhận cung cấp các loại súng, kèm theo video hướng dẫn sử dụng.
Mặt khác, hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, vàng, ngoại hối, chứng khoán trái phép có xu hướng gia tăng. Tình trạng đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng internet quy mô lớn xảy ra ở nhiều địa phương với số tiền đặc biệt lớn. Ví dụ như vụ Phí Văn Huấn tổ chức đánh bạc qua mạng với số tiền khoảng 64.000 tỉ đồng qua mạng trực tuyến Powgs.com xảy ra tại Hà Nội; vụ Lê Tuấn Vinh cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc với số tiền hơn 20.000 tỉ đồng theo đường dây liên tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nghệ An. Hà Tĩnh triệt xoá đường dây đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng internet với số tiền giao dịch lên tới 10.000 tỉ đồng.