vĐồng tin tức tài chính 365

AMC: nhất thiết phải cải cách

2021-01-10 08:18

AMC: nhất thiết phải cải cách

Phạm Như Liên

(TBKTSG) - Tái cơ cấu ngân hàng thương mại đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 2016-2020 với trọng tâm là xử lý triệt để nợ xấu. Quá trình này gắn liền với việc chấn chỉnh và tăng hiệu quả cơ cấu tổ chức của ngân hàng. Nhìn lại 20 năm qua, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các ngân hàng thương mại (AMC) được thành lập với mục đích chính là quản lý và xử lý nợ xấu nhưng hoạt động lại không được như kỳ vọng, và đã đến lúc phải tổng kết đầy đủ để cải cách.

Chủ yếu là xử lý nợ xấu

Đề án xử lý nợ tồn đọng các ngân hàng thương mại (NHTM) được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 149/2001/QĐ-TTg ngày 5-10-2001. Cùng ngày, Thủ tướng cũng có Quyết định 150/2001/QĐ-TTg cho phép các NHTM thành lập AMC có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận.

Bối cảnh lúc đó, các AMC được thành lập với mục đích chính là để xử lý nợ xấu của ngân hàng mẹ. AMC VietinBank được thành lập sớm nhất vào năm 2000 chủ yếu để xử lý nợ vụ Epco - Minh Phụng. Tiếp sau đó, các NHTM khác cũng thành lập AMC để chủ yếu tham gia xử lý nợ xấu của mình, như VCB AMC năm 2002, Maritime Bank AMC năm 2009, SH AMC năm 2009, VPBank AMC năm 2006, VIB AMC năm 2010...

Nếu còn cần thiết thì nhất thiết phải cải cách cơ cấu tổ chức và nội dung hoạt động của AMC cho phù hợp với luật pháp hiện hành và với thực tiễn.

Khảo sát hoạt động của nhiều AMC, từ khi thành lập cho đến năm 2010, sứ mệnh các AMC tưởng như đã hoàn thành. Đã có ngân hàng xin giải thể AMC. Tuy nhiên, phần lớn các AMC vẫn tồn tại trong cơ cấu hệ thống ngân hàng, có lẽ với kỳ vọng có thể giúp ngân hàng mẹ tham gia quản lý và xử lý nợ xấu nhằm thực hiện tái cơ cấu với mục tiêu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu chung xuống dưới 3%.

Theo thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng, tháng 10-2020, đơn vị này đã thành lập Câu lạc bộ AMC với 22 thành viên là các công ty AMC. Kết quả nghiên cứu về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ mà Bộ Tài chính vừa thực hiện cho biết hiện có 30 công ty AMC của NHTM nhưng phần nhiều hoạt động chưa thật sự hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu.

Hiệu quả thấp

AMC được thành lập với mục đích chính là xử lý nợ xấu của ngân hàng mẹ. Tuy nhiên, từ khi thành lập cho đến nay, các AMC đều có bảy nội dung hoạt động, tuân theo điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của “Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại” do NHNN ban hành theo Quyết định 306/2000/QĐ-NHNN ngày 15-9-2000, Quyết định 1390/2001/QĐ-NHNN ngày 7-11-2001.

Trên thực tế, hầu hết các AMC chỉ thực hiện một phần thuộc 3/7 nội dung hoạt động chính: (1) Tiếp nhận, quản lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản bảo đảm nợ vay; (2) Chủ động bán các tài sản bảo đảm nợ thuộc quyền định đoạt của NHTM theo giá thị trường; (3) Thực hiện các hoạt động khác theo ủy quyền của NHTM theo quy định của pháp luật;

Việc thực hiện hoạt động tiếp nhận quản lý các khoản nợ tồn đọng bao gồm tài sản bảo đảm nợ vay chủ yếu phát sinh tại các AMC của NHTM lớn là VietinBank, Vietcombank với nợ tồn đọng liên quan vụ án lớn như Epco - Minh Phụng... AMC các ngân hàng này đã phải mất khoảng 10 năm mới vãn hồi việc thi hành án sau khi tòa án xét xử vụ Epco - Minh Phụng và tuyên giao ngân hàng xử lý thu nợ trên 300 tài sản bảo đảm, tổng trị giá trên 2.000 tỉ đồng...

Việc bán đấu giá các tài sản bảo đảm thuộc quyền định đoạt của NHTM không nhiều và chủ yếu phát sinh trong thời gian trước năm 2017 (thời điểm Luật Đấu giá có hiệu lực). Kết quả hạn chế vì các lý do chính như AMC dù có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập nhưng vẫn là công ty con của các NHTM.

Trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ, các tài sản bảo đảm thuộc quyền định đoạt của chủ nợ là ngân hàng, không phải AMC. AMC thực hiện các công việc để thu nợ, thực chất là làm theo ủy quyền của NHTM, hợp đồng với các đơn vị có nợ tồn đọng trong ngân hàng. Sau đó biện pháp chính là đôn đốc khách hàng trả nợ, thu giữ tài sản trên thực địa, thông báo bán đấu giá tài sản. Những tài sản qua AMC bán đấu giá thu nợ là không đáng kể.

Riêng việc thực hiện các hoạt động khác theo ủy quyền của NHTM thì mỗi AMC được ngân hàng ủy quyền các việc khác nhau, do đó rất đa dạng và hiệu quả cũng không cao. Hiện tại định giá tài sản bảo đảm của khách hàng vay vốn ngân hàng mẹ đang là hoạt động dịch vụ chính yếu để tồn tại của nhiều AMC.

Nội dung này tại AMC của ngân hàng lớn chính là định giá tài sản bảo đảm để hỗ trợ nghiệp vụ cho vay của ngân hàng, thông qua hình thức ký hợp đồng liên kết giữa AMC với các đơn vị của ngân hàng mẹ có thực hiện nghiệp vụ cho vay. Sau khi thẩm định, AMC sẽ thông báo kết quả định giá, trong đó nêu rõ: “Thông báo kết quả định giá chỉ có giá trị tư vấn”. Đơn vị nhận thông báo cũng chỉ tham khảo giá trị tài sản bảo đảm khi cho vay, hoặc là không sử dụng...

4/7 nội dung hoạt động còn lại như trong điều lệ mẫu, tại các AMC hầu như không phát sinh, hoặc không đáng kể, gồm: (4) Hoàn thiện hồ sơ liên quan đến các khoản nợ theo quy định của pháp luật trình ban chỉ đạo cơ cấu lại tài chính ngân hàng của Chính phủ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép ngân hàng xóa nợ cho khách hàng (đối với nhóm nợ không có tài sản bảo đảm và không còn đối tượng để thu hồi); (5) Cơ cấu lại nợ tồn đọng bằng các biện pháp giãn nợ, miễn giảm lãi suất, đầu tư thêm, chuyển đổi nợ thành vốn góp; (6) Xử lý tài sản bảo đảm nợ vay bằng các biện pháp thích hợp: cải tạo, sửa chữa, nâng cấp tài sản để bán, cho thuê, khai thác kinh doanh, góp vốn, liên doanh bằng tài sản để thu hồi nợ; (7) Mua, bán nợ tồn đọng của tổ chức tín dụng khác, của các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của ngân hàng khác theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, những nội dung mà AMC có chức năng nhưng không làm được hoặc làm chưa trọn vẹn nói trên, lại được một số ngân hàng lập ra các bộ phận khác để thực hiện như phòng quản lý nợ có vấn đề, phòng đầu tư vốn và tài sản...

Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng quy định NHTM được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản sau khi được sự chấp thuận bằng văn bản của NHNN. Theo đó, các AMC của NHTM là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, cơ cấu tổ chức của các AMC phải tuân theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp và Thông tư 51/2018/TT-NHNN.

Do đó, AMC các ngân hàng đã thành lập và tiếp tục hoạt động theo Quyết định 150/2001/QĐ-TTg, Quyết định 1390/2001/QĐ-NHNN là không còn phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng và phần lớn AMC hoạt động kém hiệu quả. Thiết nghĩ, bước vào giai đoạn 2 thực hiện “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, cần phải khẩn trương xem xét đến vị trí, vai trò của AMC.

Nếu còn cần thiết thì nhất thiết phải cải cách cơ cấu tổ chức và nội dung hoạt động của AMC cho phù hợp với luật pháp hiện hành và với thực tiễn, nhằm tăng hiệu quả cơ cấu tổ chức của ngân hàng. Quá trình này đòi hỏi có sự quan tâm nhiều hơn của NHNN là cơ quan quản lý các NHTM.

Xem thêm: lmth.hcac-iac-iahp-teiht-tahn-cma/424213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“AMC: nhất thiết phải cải cách”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools