Startup gọi vốn sớm cũng dễ thất bại
Chánh Trung
(TBKTSG Online) - Những startup nôn nóng gọi vốn sớm mà chưa xây dựng được nền tảng cũng có nguy cơ thất bại trên con đường khởi nghiệp.
Vốn là yếu tố đầu tiên và sống còn của doanh nghiệp trong buổi đầu khởi sự hoạt động. Trên thực tế, để bắt đầu bất kỳ dự án nào, các nhà khởi nghiệp đều cần có vốn. Nhiều doanh nhân khởi nghiệp có ý tưởng táo bạo đã bế tắc khi không có vốn để khởi sự doanh nghiệp. Vốn đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của kinh doanh. Khi bắt đầu bước lên “con thuyền” khởi nghiệp, sẽ có nhiều nhà sáng lập gặp khó khăn về vốn. Vì thế chọn giải pháp gọi vốn, kêu gọi đầu tư là bước đi quan trọng để tạo dựng sự nghiệp kinh doanh thành công.
Ông Nguyễn Việt Đức (đứng), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Saigon Times, đang chia sẻ kinh nghiệm về gọi vốn cho startup tại buổi tọa đàm ngày 9-1. |
Thấu hiểu nhu cầu gọi vốn của các nhà khởi nghiệp, chuỗi sự kiện Cà phê doanh nhân chia sẻ do Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Saigon Times (thành viên Saigon Times Club) đã tổ chức buổi tọa đàm “Gọi vốn trong doanh nghiệp” vào ngày 9-1-2021 tại Saigon Innovation Hub TPHCM.
Ông Nguyễn Việt Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Saigon Times, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Việt Nam (ICM) đã có những chia sẻ kinh nghiệm về những cách thức gọi vốn hiệu quả dành cho startup, thời điểm và kỹ năng gọi vốn, nguồn lực cần thiết...
Ông Nguyễn Việt Đức cho biết, gọi vốn được xem là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhất với các nhà khởi nghiệp. Gọi là nhiệm vụ phức tạp vì nó liên quan đến rất nhiều vấn đề về tài chính, sản phẩm, nhân lực… Để gọi vốn cho hoạt động khởi sự kinh doanh không chỉ cần đạt đến các yếu tố về tài chính mà còn liên quan đến tâm thái của người khởi nghiệp hay cách thức mà một người khởi nghiệp giải quyết vấn đề.
Gọi vốn có liên quan đến kiến thức của người khởi nghiệp, network (mạng lưới) mà người khởi nghiệp đang xây dựng. Trước khi nghĩ đến tiền trong gọi vốn, nhà khởi nghiệp cần phải hiều mình cần tiền để làm gì, đầu tư vào lĩnh vực nào, tại sao mình cần khoản tiền đó.
Trước khi gọi vốn, nhà khởi nghiệp cần phải xem lại nguồn vốn tự có của chính bản thân mình và tận dụng nó trước tiên. Nguồn vốn tự có bao gồm kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ của bản thân. Hay có thể huy động nguồn vốn từ người thân, bạn bè, người hâm mộ… đây là nguồn vốn đơn giản nhất cho bước đầu khởi nghiệp.
Hành trình để gọi được vốn trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau. Điều đầu tiên cần phải xác định là khách hàng của mình là ai, ai trả tiền đầu tư cho mình cho mình, tại sao họ đầu tư cho mình, tại sao họ đầu tư cho bạn mà không phải là người khác.
Một yếu tố đáng chú ý khác là ngay khi bắt đầu khởi sự kinh doanh, không thể gọi vốn ngay mà phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bao gồm cả việc xây dựng nền tảng, quy trình. Gọi vốn quá sớm hoàn toàn có thể dẫn đến nguy cơ thất bại cho công ty khởi nghiệp. Ông Nguyễn Việt Đức dẫn chứng câu chuyện điển hình là Wefit, nhà khởi nghiệp công nghệ với sản phẩm đồng hồ thông minh theo dõi sức khỏe. Wefit không phải không có đội ngũ nhân sự giỏi, không có khả năng, sản phẩm của doanh nghiệp được đánh giá khá. Tuy nhiên, việc gọi được vốn quá sớm mà sau đó những nhà điều hành không có quy trình phát triển cụ thể, định hướng lâu dài... đã khiến startup này thất bại.
"Trước khi gọi vốn bạn phải nghiên cứu kỹ thị trường, sản phẩm, xây dựng quy trình, nhân sự, đào tạo, công nghệ… Bên cạnh đó phải xây dựng được đội nhóm để làm việc cùng nhau. Chưa có những thứ này thì không dễ gọi vốn cũng như có nguy cơ thất bại. Để gọi được vốn hai yếu tố quan trọng mà nhà khởi nghiệp cần phải xác định đó là sự khác biệt của sản phẩm và sản phẩm phải mang lại giá trị. Như vậy nhà đầu tư mới có thể dám bỏ tiền cho bạn. Bí mật của quy trình gọi vốn khởi nghiệp là không có công thức gì cả. Gọi vốn phụ thuộc vào lĩnh vực, hình thức kinh doanh của bạn là gì, mô hình kinh doanh của bạn là gì… bạn phải xác định được chính xác", ông Nguyễn Việt Đức cho biết.
Tại buổi thảo luận, các khách mời và startup đã cùng thảo luận, chia sẻ về các bước gọi vốn cụ thể, các hình thái vốn tài chính có thể huy động cho khởi nghiệp bao gồm vốn từ nhà đầu tư thiên thần, chính phủ, khách hàng, cộng đồng… Bên cạnh đó sau khi gọi được vốn các khởi nghiệp cũng phải xác định được tâm thế mình có thể sẽ đóng cửa công ty, thanh lý tài sản, bị thâu tóm hoặc sáp nhập (M&A), hoặc đạt được một số hiệu quả nhưng không đem lại lợi ích cho nhà đầu tư hoặc có thể được IPO tạo ra lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư.
Các nhà khởi nghiệp cũng đồng tình cho rằng việc gọi vốn là một quá trình phức tạp, vất vả và không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Tuy nhiên nếu nỗ lực thì các khởi nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn vốn và phát triển tốt.
Xem thêm: lmth.iab-taht-ed-gnuc-mos-nov-iog-putrats/535213/nv.semitnogiaseht.www