Sản lượng sữa đậu nành Vinasoy ước giảm 10%
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) – Dù sản phẩm sữa được đánh giá là ít nhạy cảm hơn với dịch Covid-19, sản lượng tiêu thụ của công ty sữa đậu nành giữ thị phần số một thị trường vẫn giảm nhiều hơn kỳ vọng.
Vinasoy hiện là công ty sữa đậu nành giữ thị phần lớn trên thị trường. Ảnh: TTXVN. |
Báo cáo của Công ty chứng khoán SSI mới đây đưa ra ước tính sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS) đã giảm 13% so với cùng kỳ trong quí 4-2020, và giảm khoảng 10% so với cùng kỳ trong năm 2020. Mảng sữa đậu nành có tỷ suất lợi nhuận gộp cao nhưng kinh doanh kém hơn dự kiến, SSI đánh giá.
QNS sở hữu thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy, giữ thị phần thống lĩnh 84% trong ngành hàng sữa đậu nành có thương hiệu. Dù vậy, Vinasoy mới chỉ đáp ứng khoảng 34% nhu cầu tiêu thụ sữa đậu nành cả nước, còn lại là sữa tự nấu, theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt.
Báo cáo tài chính hợp nhất quí 3-2020 của QNS trước đó cho thấy doanh thu và lợi nhuận gộp của mảng sữa đậu nành trong 9 tháng đầu năm lần lượt đạt 3.052 tỉ đồng và 1.357 tỉ đồng, lần lượt giảm 8,1% và 4,8% so với cùng kỳ.
Công ty chứng khoán Rồng Việt dự báo lợi nhuận gộp từ mảng sữa đậu nành của QNS trong năm 2021 sẽ đạt 1.931 tỉ đồng, phục hồi tăng 9% so với cùng kỳ từ mức thấp năm 2020, nhưng chỉ ở tương đương mức tăng của năm 2019.
Trong Nghị quyết cuối năm 2020, HĐQT của QNS quyết định đổi tên Trung tâm Giống mía Quảng Ngãi thành Trung tâm nghiên cứu và Phát triển đậu nành Vinasoy. Ngoài ra, QNS cũng tiếp tục ký hợp đồng với ông Ngô Văn Tụ, được xem là người khai sinh và là linh hồn cho thương hiệu sữa đậu nành chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam, tiếp tục giữ vai trò Giám đốc Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy trong năm nay.
Theo Công ty chứng khoán SSI, ngành sữa ít nhạy cảm hơn với dịch Covid-19. Được coi là mặt hàng thiết yếu, xu hướng sử dụng sản phẩm sữa sẽ được chia làm hai hướng, một là các sản phẩm giá rẻ và hai là sản phẩm cao cấp.
“Các công ty như Vinamilk và Vinasoy đã chứng kiến hiện tượng cơ cấu sản phẩm bán ra dịch chuyển về phía các sản phẩm giá rẻ trong chín tháng đầu năm nay. Ngược lại, sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra do nhóm thu nhập trung bình và cao ít bị ảnh hưởng hơn và họ vẫn sẽ có xu hướng gia tăng tiêu thụ các sản phẩm cao cấp”, báo cáo về ngành sữa của SSI mới đây đánh giá.
Liên quan đến công ty mẹ Đường Quãng Ngãi, Nghị quyết của HĐQT cũng cho biết doanh thu ước thực hiện trong năm 2020 là 6.835 tỉ đồng, thấp hơn đáng kể so với con số kế hoạch là 8.400 tỉ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế là 1.250 tỉ đồng, cao hơn so với kế hoạch đặt ra là 1.100 tỉ đồng.
Trong năm 2021, QNS dự kiến doanh thu thuần đạt 8.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 913 tỉ đồng (giảm 12% so với cùng kỳ). Lý do là sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành có thể phục hồi về mức năm 2019, trong khi sản lượng đường RS có thể đạt 110 nghìn tấn.
“QNS vẫn chưa tính đến mảng kinh doanh đường RE, vì công ty đang chờ quyết định về việc liệu các biện pháp bảo hộ có được áp dụng đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan hay không. Công ty hiện đang đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2021 bằng với kế hoạch năm 2020”, báo cáo của SSI đánh giá.
Xem thêm: lmth.01-maig-cou-yosaniv-hnan-uad-aus-gnoul-nas/255213/nv.semitnogiaseht.www