Hồng Ánh (trái, vai Linh Đan), Huỳnh Ly (vai Sơn Ca) trong vở Sơn Ca - Ảnh: THÚY BÌNH
Với sự hỗ trợ tổ chức của Saigon Theatreland và Cái Tổ Nhỏ, kịch nói đối thoại cộng đồng Sơn Ca mong muốn nghệ sĩ và các nhà hoạt động xã hội hợp tác để phản ánh hiện thực, thúc đẩy đối thoại, lắng nghe và tìm kiếm giải pháp về vấn đề giới.
1. Sơn Ca là vở kịch tốt nghiệp đạo diễn sân khấu của Lê An, là tác phẩm được Việt hóa từ kịch bản kinh điển Nhà búp bê của Henrick Ibsel được viết năm 1879 tại Ý.
Lần làm lại này, Lê An có những thay đổi khá đặc biệt. Trước vở diễn có hai buổi workshop cung cấp công cụ nghệ thuật giúp khán giả nữ thoải mái, sẵn sàng biểu đạt cảm xúc, mong muốn, niềm tin trong những vấn đề về giới.
Trước và sau vở diễn, người xem còn nhận được phiếu khảo sát và có 45 phút sau vở diễn để đối thoại mở cùng đạo diễn và các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giới như tiến sĩ Bùi Trân Phượng, thạc sĩ Doãn Ngọc, thạc sĩ Nguyễn Trương Bảo Khuyên, thạc sĩ Lê Thiện Trí...
Vở là câu chuyện về Sơn Ca - người lúc nào cũng cảm thấy được làm bất cứ điều gì cho chồng con là niềm vui, hạnh phúc. Mười mấy năm trước, Hiệp Cơ - chồng cô - bị bệnh nặng, Sơn Ca đã giấu chồng vay một số nợ rất lớn để cứu Hiệp Cơ. Sở dĩ phải giấu chồng vì Hiệp Cơ là người nguyên tắc, không cho phép gia đình mắc nợ nần.
Để trả số nợ đó, Sơn Ca phải lén làm thêm khổ sở. Một ngày, sự thật bị phát giác. Hiệp Cơ nổi giận quát thẳng vợ là người dối trá, anh còn không cho phép cô dạy dỗ con vì cô không xứng là tấm gương cho con cái...
Tất cả sự bẽ bàng đó khiến Sơn Ca bừng tỉnh, chợt nhận ra bấy lâu mình chỉ là con sơn ca sống trong chiếc lồng để mua vui, chiều ý, tuân theo nguyên tắc chồng đề ra mà không dám nói lên tiếng nói của chính mình, được sống như mình mong muốn...
2. Sơn Ca có sự tham gia của các nghệ sĩ Lê Thiện, Hồng Ánh, Lê Vinh, Huỳnh Ly, Phan Hiếu... Lê An chọn dựng vở kịch này vì sự đồng cảm, và vì các nhân vật trong kịch giải quyết mâu thuẫn bằng tranh luận, điều đó phù hợp với định hướng đối thoại mà cô đặt ra cho dự án Sơn Ca.
Vở kịch như gợi mở để nghệ sĩ, khán giả và các nhà hoạt động xã hội cùng suy ngẫm từ vở diễn với câu hỏi: "Nếu không là vợ, là mẹ thì tôi là ai?".
Buổi đối thoại diễn ra khá sôi nổi trên tinh thần lắng nghe, thấu hiểu và đón nhận. Một bạn trẻ sinh năm 1998 bày tỏ thắc mắc không hiểu vì sao hiện tại có những người trẻ lại có thể sớm kết thúc cuộc hôn nhân? Khi phụ nữ quyết định bước ra khỏi cánh cửa gia đình như Sơn Ca, họ sẽ như thế nào?
Diễn viên Lê Vinh cho rằng anh không trách riêng người chồng bởi họ đều đáng thương và yêu nhau không đúng cách, không thẳng thắn chia sẻ với nhau mà giấu giếm để dẫn tới bi kịch.
Có một số bạn trẻ bày tỏ định kiến giới đã đè những gánh nặng lên vai của con người, trải qua nhiều thế hệ, ảnh hưởng cả cái cách tương tác với người khác. Cũng có ý kiến cho rằng định kiến giới không chỉ tạo áp lực với người phụ nữ mà người đàn ông cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi phải gồng mình tỏ ra bản lĩnh, là trụ cột của gia đình, phải làm những điều lớn lao...
Thạc sĩ Bảo Khuyên trước khi tạm biệt khán giả đã đặt ra câu hỏi với hi vọng sẽ mở ra điều gì đó bên trong mỗi người: "Nếu như bạn đang gánh trên vai một áp lực giới, bạn có thể đặt nó xuống và sống tiếp cuộc đời của mình như thế nào?".
TTO - Bất cứ ai sống ở các thành phố lớn những năm qua đều có thể cảm nhận hành trình trên đường phố của mỗi người đầy căng thẳng, rủi ro và khổ sở thế nào.
Xem thêm: mth.2044219011101202-peit-gnos-ed-gnoux-gnan-hnag-ob/nv.ertiout