Thách thức của năm 2021 là khôi phục sức mua
Minh Tâm
(TBKTSG Online) - Cả giới chuyên gia lẫn doanh nghiệp đều đồng tình, một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế năm 2021 chính là làm sao khôi phục được sức mua của người tiêu dùng sau khi Covid tràn qua và làm cạn kiệt túi tiền của nhiều gia đình.
Các chuyên gia kinh tế, diễn giả thảo luận tại Diễn đàn. Ảnh: MT |
Chia sẻ bên lề Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2021 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức hôm nay, 11-1 tại TPHCM, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế trong năm 2021 chính là khôi phục sức mua trên thị trường nội địa.
Theo ông Thành, ở những tháng cuối năm 2020, sức mua có phần phục hồi so với giai đoạn Covid bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội nhưng vẫn thấp hơn tới 19% so với trước Covid. Sức mua yếu hiện vẫn tiếp diễn. Tình hình này là hệ quả của việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khi thu nhập và việc làm bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Và trong năm 2021, theo ông Thành, dù dịch Covid được kiểm soát, niềm tin có thể quay lại nhưng nếu túi tiền chưa được cải thiện thì việc thắt lưng buộc bụng vẫn xảy ra.
Ông Thành đề xuất, để giải bài toán khôi phục sức mua thì cần có chính sách điều hành để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thiết lập mặt bằng lãi suất thấp, giảm lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Khi lãi suất cho vay giảm thì cả doanh nghiệp lẫn người dân mới được kích thích tiêu dùng.
Cũng tại diễn đàn, trả lời cho câu hỏi của ban tổ chức về việc đâu là yếu tố rủi ro nhất cho tăng trưởng năm 2021, đã có 27% số người tham dự diễn đàn (phần lớn là đại diện các doanh nghiệp) bày tỏ mối lo ngại là sức mua nội địa yếu. Tỷ lệ này chỉ đứng sau lo ngại về xáo trộn và đứt gãnh chuỗi cung ứng (33% số người tham dự trả lời).
Bình luận về mối lo ngại này của các doanh nghiệp, tiến sĩ Đặng Hoàng Hải Anh, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Mỹ cũng đồng tình, theo quan điểm của cá nhân ông thì sức mua nội địa là một yếu tố quan trọng. Ông Hải Anh nhấn mạnh, trước khi dịch Covid xảy ra, thế giới đã nói đến mô hình tăng trưởng dựa vào sức mua của thị trường nội địa. Và với các nước châu Á như Việt Nam, nơi có tỷ lệ tiết kiệm trong dân cao, cần khai thác tốt luồng vốn lớn này trong dân chúng để phục hồi sức mua nội địa. Và khi tập trung vào sức mua nội địa thì Chính phủ và doanh nghiệp sẽ có nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, sức mua nội địa là yếu tố quan trọng thứ hai ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021, sau sự xáo trộn và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Thị trường nội địa với gần 100 triệu dân cũng chính là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Liên quan đến kịch bản nền kinh tế năm 2021, các chuyên gia tham dự diễn đàn bày tỏ sự lạc quan về mức tăng trưởng của GDP. Nền kinh tế theo đó có những động lực tốt để tăng trưởng. Trong đó, một trong những động lực quan trọng và được xác định là nội lực của Việt Nam, đó chính là ổn định kinh tế vĩ mô. Từ ngoại lực, là dòng vốn đầu tư tiếp tục chảy vào.
Bên cạnh đó là đòn bẩy từ xuất khẩu, vốn cũng là cứu cánh của năm 2020. Tuy nhiên, việc tiếp tục xuất khẩu mạnh sang thị trường Mỹ đang có những thách thức khi Mỹ đã chuyển từ cảnh báo sang cáo buộc Việt Nam gây sức ép để điều chỉnh. Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, RCEP…
Xem thêm: lmth.aum-cus-cuhp-iohk-al-1202-man-auc-cuht-hcaht/185213/nv.semitnogiaseht.www