Giá cao hơn Ấn Độ và Pakistan 100 đô la mỗi tấn, gạo Việt có lép vế?
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Có cùng phân khúc, nhưng gạo Ấn Độ và Pakistan lại có giá bán quá cạnh tranh so với gạo Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là liệu rằng gạo Việt có bị "lép vế" trước các đối thủ cạnh tranh này hay không?
Vì sao Việt Nam nhập khẩu gạo Ấn Độ?
Nông dân miền Tây chuyển lúa đi tiêu thụ. Ảnh: Trung Chánh |
Báo cáo về diễn biến giá cả thị trường gạo thế giới của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy, mức giá chào bán của Ấn Độ và Pakistan đang cạnh tranh hơn rất nhiều so với các đối thủ còn lại trong cùng phân khúc.
Theo đó, gạo 5% và 25% tấm của Ấn Độ lần lượt được chào bán với giá 368-372 và 328-332 đô la Mỹ/tấn; gạo 5% và 25% tấm của Pakistan lần lượt được chào bán với giá 423-427 và 381-385 đô la Mỹ/tấn.
Trong khi đó, mức giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam là 508-512 đô la Mỹ/tấn và 25% tấm là 483-487 đô la Mỹ/tấn. Điều này có nghĩa, giá gạo 5% của Ấn Độ và Pakistan đang thấp hơn của Việt Nam lần lượt là 140 và 85 đô la Mỹ/tấn; gạo 25% tấm của Ấn Độ và Pakistan đang thấp hơn của Việt Nam lần lượt là 155 và 102 đô la Mỹ/tấn.
Với mức giá cách biệt khá lớn như vậy, thì liệu gạo Việt Nam có cạnh tranh được so với các đối thủ là Ấn Độ và Pakistan hay không?
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV – cho rằng, gạo 5% tấm của Việt Nam thuộc phân khúc gạo cấp trung, tức gạo 5% tấm được sản xuất từ các giống có chất lượng khá thuộc dòng OM như: OM 5451, OM 18, chứ không phải là từ IR 50404 như trước đây. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Ấn Độ và Pakistan thuộc dạng phân khúc cấp thấp, tức được sản xuất từ các chủng loại giống lúa như lúa IR 50404 của Việt Nam.
Theo ông Thành, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện bán với giá trên 500 đô la Mỹ/tấn vẫn được các thị trường nhập khẩu chấp nhận. “Giống lúa của Việt Nam hiện được các thị trường, như Trung Quốc, Philippines, Trung Đông, Malaysia, Indonesia chấp nhận với giá đó và mình bán được”, ông Thành cho biết và nói thêm rằng: “Hiện, nếu mình (Việt Nam) có gạo là bán được hết”.
Ông Thành cho biết, nếu trường hợp Việt Nam quay trở lại sản xuất lúa IR 50404 quá dư thừa như trước đây, thì chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh lại Ấn Độ, Pakistan. Bởi, phân khúc của họ giống như gạo IR 50404 của Việt Nam ngày xưa, nhưng có giá rất cạnh tranh. “Ấn Độ và Pakistan là bán dòng gạo nở, chứ không phải gạo dẻo, tức hạt gạo Việt Nam là dạng hạt gạo dài, trắng, dẻo, trong khi của Ấn Độ và Pakistan là dạng hạt ngắn hơn và không đẹp bằng”, ông Thành giải thích thêm.
Ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An – cho rằng, khó khăn khá lớn hiện nay của ngành lúa gạo Việt Nam, đó là giá thị trường nội địa đang lên rất cao, chẳng hạn, lúa OM 5451 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp có giá đến 7.000 đồng/kg.
“Ví dụ, xuất khẩu giá 510 đô la Mỹ/tấn, thì quy ra giá lúa chỉ khoảng 6.000 đồng/kg, nhưng bây giờ nông dân "đòi" 7.000 đồng/kg, thì sao xuất khẩu được”, ông Bình dẫn chứng và cho rằng, với mức giá như vậy, sắp tới xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể sẽ khó khăn, dù chất lượng gạo Việt Nam đã có thay đổi cũng như tác động tích cực từ các Hiệp định định Thương mại tự do hay dịch Covid-19.
Theo ông Bình, nếu giá gạo Việt Nam chênh lệch quá lớn so với các đối thủ cạnh tranh, thì người nhập khẩu sẽ “chạy” sang họ hết. “Gạo Việt Nam có cái khác, đó là gạo mới, chất lượng tốt, nhưng không thể vì thế mà nâng giá mãi được, cho nên, ở trong nước cần phải xem lại”, ông cho biết.
Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, gạo Việt Nam vẫn có lợi thế hơn so với Ấn Độ vì quốc gia này bán ra là loại gạo tồn kho, tức Ấn Độ muốn xả kho gạo cũ để nhập gạo mới vào, cho nên, không phải thị trường nào cũng chấp nhận để ăn, dù giá rẻ hơn.
Xem thêm: lmth.ev-pel-oc-teiv-oag-nat-iom-al-od-001-natsikap-av-od-na-noh-oac-aig/085213/nv.semitnogiaseht.www