Đây là giải pháp được đưa ra khi năm 2020 có không ít doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo sau khi đã trúng thầu. Điều này đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Chính phủ. Vì vậy, việc xếp hạng nhà thầu được kỳ vọng là giải pháp tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc cung cấp gạo dự trữ quốc gia.
Các nhà thầu sẽ được chia làm 4 nhóm: Nhóm 1 là những nhà thầu đã từng trúng thầu, ký hợp đồng và thực hiện đầy đủ, đúng các quy định sẽ được chấm điểm uy tín tối đa. Nhóm 2 là nhà thầu đã từng trúng thầu, đã ký hợp đồng nhưng khi thực hiện lại không thực hiện đúng hoặc chất lượng giao hàng dự trữ không bảo đảm. Nhóm 3 là nhóm nhà thầu trúng thầu nhưng không ký hợp đồng. Nhóm 4 là nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng nhưng bỏ hoặc thực hiện dở dang. ( Đồ họa).
Đối với những nhà thầu thuộc nhóm 1 và 2 có uy tín cao sẽ có lợi thế trong việc đấu thầu so với nhóm nhà thầu 3 và 4 có uy tín thấp.
Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí
Ông Phạm Vũ Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước, Bộ Tài chính, cho biết: "Trong trường hợp 2 nhà thầu đề xuất giá dự thầu bằng nhau, nhà thầu nào có uy tín cao hơn sẽ có lợi thế dễ trúng thầu hơn. Ngược lại, nhà thầu nào mà uy tín thấp hơn mà muốn có khả năng trúng thầu thì cái giá khi tham dự nhà thầu đó phải tính toán bỏ 1 giá thấp so với nhà thầu uy tín cao hơn".
Việc xếp hạng nhà thầu được kỳ vọng là nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp trúng thầu gạo dự trữ quốc gia nhưng lại từ chối ký hợp đồng bởi việc xếp hạng này sẽ được "truy vết" lịch sử đấu thầu của doanh nghiệp trong vòng 5 năm trở lại tính đến năm dự thầu.
Ông Phạm Vũ Anh cho biết thêm: "Năm 2021, khi chúng tôi tiến hành đấu thầu, chúng tôi sẽ xem lại lịch sử uy tín của nhà thầu trong vòng 5 năm từ 2016 đến nay, xem uy tín tuân thủ của nhà thầu như thế nào. Như thế, các doanh nghiệp phải rất lưu ý vấn đề này làm sao khi tham gia thầu và thực hiện hợp đồng đều phải đúng".
Trước đó, vào tháng 3/2020, một số doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia nhưng sau đó lại bỏ không ký hợp đồng mà đem gạo xuất khẩu ra nước ngoài với giá cao hơn. Đến tháng 5, trong đợt đấu thầu lần 2, cũng chính các doanh nghiệp bỏ ký hợp đồng này lại tiếp tục tham gia đấu thầu, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp khác.
Những ngày qua, giá gạo xuất khẩu tăng khá mạnh khiến hàng loạt hợp đồng xuất khẩu bị hủy bỏ, ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của doanh nghiệp thu mua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!