Nhiều ý kiến lo ngại tình trạng đầu cơ khiến một số thị trường như bất động sản tăng ảo. Trong ảnh: đất cánh đồng xã Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội từng bị sốt ảo - Ảnh: QUANG THẾ
Đây là những nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên - năm 2021 do tạp chí Kinh Tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - đầu tư) tổ chức ngày 11-1.
Phải học quản trị khủng hoảng
Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,5%, nhưng các tổ chức tài chính thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) còn lạc quan hơn, dự báo VN tăng trưởng 6,7%, một số ngân hàng quốc tế dự báo từ 6,8-7%. Theo các chuyên gia, kỳ vọng này nằm trên yếu tố ổn định vĩ mô vẫn duy trì dù VN chịu tác động bất ổn toàn cầu, đây là lần đầu tiên sau 30 năm VN giữ được điều này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia kinh tế cao cấp, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng trong năm 2020 thị trường chứng khoán lạc quan, nhờ VN vẫn đang bơm tiền vào thị trường mà tạm quên đi hệ lụy là rủi ro nợ tăng, căng thẳng tài chính.
"Năm 2020, mặc dù chúng ta duy trì được nền ổn định vĩ mô nhưng đầu tư của doanh nghiệp ở khối tư nhân lẫn FDI đều suy giảm. Do đó, thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và trong nước, kích thích tiêu dùng là những động lực chính để có thể giúp VN đạt được tăng trưởng trên 6% trong năm 2021" - ông Thành nói.
Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, viện trưởng Viện công nghệ tài chính, ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá năm 2021 sẽ là năm lạc quan với nền kinh tế VN nhờ tâm lý "bật lò xo" sau thời gian bị nén vì giãn cách. Cùng đó, nỗ lực khôi phục sản xuất, chi tiêu nhằm bù đắp những mất mát trong năm 2020, các hoạt động này được hỗ trợ bởi dòng vốn giá rẻ.
Tuy nhiên, ông Bảo cảnh báo cũng như COVID-19 tàn phá sức khỏe con người, khi chúng ta cứu nền kinh tế bằng những liều thuốc bất thường thì dễ có những hệ lụy khó lường, do đó cần phải theo sát diễn biến mới.
TS Quách Mạnh Hào, ĐH Lincoln - Vương quốc Anh, cũng lo ngại khi đề cập lãi suất thấp kích thích các hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất, làm tăng bong bóng tài sản.
Theo ông Đặng Hoàng Hải Anh - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, khoảng 10 năm gần đây Chính phủ VN đã thể hiện có kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát, tạo sức bật để đạt được thành quả như năm 2020. Tuy nhiên, bài toán lớn trong năm 2021 vẫn là điều hành vĩ mô, lãi suất giảm sâu chưa hẳn tốt... Trong COVID-19, VN bơm tiền mà tạm quên đi những rủi ro nhưng trong 5 năm tới cần làm sao giải quyết được việc hút về số tiền đã bơm ra trong giai đoạn vừa qua.
Không thể chi tiêu thoải mái
2021 là năm đầu tiên VN áp dụng cách tính quy mô GDP mới, được đánh giá lại ở mức 343 tỉ USD, lớn hơn so với trước đây. Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết quy mô GDP thay đổi dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp cũng thay đổi, ở chừng mực nào đó dư địa chính sách sẽ được mở rộng.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích việc thay đổi quy mô GDP thường đi kèm với điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan, dấy lên lo ngại nợ công. "Khi đánh giá lại quy mô GDP, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô để điều hành cũng phải được điều chỉnh giảm tương ứng. Chúng tôi kiến nghị đưa nợ công về 45-50%, khớp với mức các nước đang phát triển đang áp dụng và đảm bảo tăng trưởng để bền vững và lành mạnh hơn. Thâm hụt ngân sách 4,2% GDP năm 2020 là hợp lý do bị dịch COVID-19, nhưng lâu dài phải giảm xuống. Chúng ta không thể chi tiêu quá thoải mái được" - ông Lực nói.
Cần khôi phục sức mua
Trong bối cảnh hiện nay, ông Đặng Hoàng Hải Anh cho rằng vai trò đầu tư công rất quan trọng, VN vẫn phải phát triển cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp. "Thế giới đang chuyển sang tăng trưởng dựa trên sức mua nội địa. Chúng ta vẫn thặng dư vốn rất lớn trong dân... Bây giờ cần nhấn mạnh hơn thị trường nội địa, giảm phụ thuộc thị trường xuất khẩu" - ông Hải Anh nói.
Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng nếu năm 2020 động lực tăng trưởng chính của kinh tế VN là nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp thì sang năm 2021, cải cách thể chế là chìa khóa của tăng trưởng. VN cần giải các động lực hỗ trợ như nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do...
* TS Quách Mạnh Hào (ĐH Lincoln - Vương quốc Anh):
Rủi ro rình rập
Chính sách tài khóa là chất xúc tác trong năm 2020 thông qua lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi và các gói kích thích chi tiêu công và hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng phải thận trọng hơn trong năm 2021, điều này chủ yếu do lãi suất quá thấp kích thích các hoạt động đầu cơ. Hơn nữa, chính sách nới lỏng hiện tại chưa thực sự bao trùm lên nền kinh tế mà chỉ giúp đối tượng là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn.
Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán chưa thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế, tiềm ẩn rủi ro gia tăng nợ xấu trong những năm tiếp theo. Kinh tế năm 2021 của VN sẽ tăng trưởng tốt hơn, tuy nhiên phải hết sức nỗ lực mới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6% và lạm phát dưới 4%.
* Ông Phạm Thanh Hà (vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước):
Sẽ ổn định mặt bằng lãi suất
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước kiên định trong kiểm soát lạm phát nhưng vẫn cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Với thanh khoản dồi dào của hệ thống, Ngân hàng Nhà nước cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất vì yếu tố ổn định vĩ mô là vấn đề ưu tiên của Chính phủ.
TTO - Cuối năm, nhiều người bắt đầu ngồi tính bài toán làm ăn cho năm mới. Câu chuyện đầu tư vào đâu lại nóng lên khi lãi suất tiền gửi quá thấp, chứng khoán thời gian qua đã tăng quá mạnh, trong khi vàng vừa trải qua đợt sốt hồi giữa năm 2020.
Xem thêm: mth.93563947021101202-oc-uad-ut-or-iur-ol-1202-man/nv.ertiout