Sáng ngày 12/1, tại trụ sở TAND tỉnh Bình Thuận, TAND cấp cao tại TPHCM đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo Điều 229 - Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại thành phố Phan Thiết với hai bị cáo Đỗ Ngọc Điệp (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết) và Trần Hoàng Khôi (nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết).
Trước đó, vào ngày 21/8/2020, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên án sơ thẩm vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại thành phố Phan Thiết.
Theo đó, xử phạt: Trần Hoàng Khôi (nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết) 4 năm tù giam; Đỗ Ngọc Điệp (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, Viện KSND cấp cao tại TPHCM đã kháng nghị phúc thẩm một phần bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận. Viện KSND cấp cao tại TPHCM cho rằng bản án sơ thẩm xử hai bị cáo Đỗ Ngọc Điệp và Trần Hoàng Khôi là chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi và hậu quả mà các bị cáo đã gây ra, chưa đủ tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung; đề nghị tăng mức hình phạt đối với hai bị cáo này.
Theo cáo trạng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Nhà nước giao trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Phan Thiết, từ tháng 2/2016 đến tháng 12/2018, nhóm 4 bị cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết đã lập hồ sơ, tham mưu cho phép chuyển mục đích đất trái pháp luật.
Đỗ Ngọc Điệp và Trần Hoàng Khôi là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích trái với kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt.
Những bị cáo này đã cố tình cho chuyển mục đích trái pháp luật 132 thửa đất với tổng diện tích hơn 170.000 m2 làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố Phan Thiết. Việc làm này đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý đất đai, đô thị trên địa bàn thành phố Phan Thiết.
Đặc biệt, việc làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt; xâm hại hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước; làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước và lòng tin của nhân dân đối với công tác quản lý đất đai, đô thị tại địa phương.
Tại phiên tòa phúc thẩm vào sáng ngày 12/1, hai bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm của mình trong việc thiếu trách nhiệm, tin tưởng vào sự tham mưu của cấp dưới, dẫn đến việc ký cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm lên đất ở đô thị không đúng theo quy định của pháp luật.
Hội đồng xét xử cũng đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo như thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, bản thân có nhiều đóng góp cho Nhà nước…
Tại phiên tòa cũng xuất hiện tình tiết mới là đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đỗ Ngọc Điệp của người dân nơi cư trú và công văn xin giảm nhẹ hình phạt của Hội Cựu chiến binh tỉnh.
Qua xem xét các tình tiết của vụ án, Hội đồng xét xử của TAND cấp cao tại TPHCM tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận; không có căn cứ chấp nhận kháng nghị phúc thẩm của Viện KSND cấp cao tại TPHCM.
Trúc Hà