Trung Quốc xây dựng nền tảng quản lý để trở thành siêu cường công nghệ
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định quản lý trong các lĩnh vực từ chống độc quyền cho đến bảo vệ dữ liệu. Giới phân tích cho rằng động thái này không phải để chống lại sự phát triển của các nền tảng internet khổng lồ ở trong nước mà là để thiết lập một nền tảng quản lý với tham vọng biến nước này thành siêu cường công nghệ.
Gần đây, chính phủ Trung Quốc siết chắt quản lý đối với các tập đoàn công nghệ hàng đầu của nước này bao gồm Alibaba. Ảnh: Reuters |
Thiết lập nền tảng quản lý để phát triển công nghệ nhanh hơn
Giống như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc đang tìm cách quản lý ngành công nghệ vì lâu nay, các ‘ông lớn’ công nghệ Trung Quốc phát triển nhanh chóng mà hầu như không bị cản trở bởi các quy định quản lý và đang trở thành những công ty hùng mạnh nhất thế giới.
Cơ quan Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) cũng đã công bố các quy định dự thảo về ngăn chặn các hành vi độc quyền của các nền tảng internet. Đó là một trong những đề xuất toàn diện nhất ở Trung Quốc nhằm quản lý các công ty công nghệ lớn nhất nước này. Tháng trước, SAMR thông báo mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Tập đoàn công nghệ Alibaba, đang sở hữu các nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. |
Hồi tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ủy ban Quản lý bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) ban hành các quy định dự thảo đối với hoạt động cho vay vi mô (microlending), bao gồm các điều khoản chẳng hạn như nâng vốn đăng ký tối thiểu đối với các công ty công nghệ đang cung cấp dịch vụ cho vay.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc ban hành dự thảo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm quản lý cách mà các công ty xử lý dữ liệu của người dùng. Kendra Schaefer, đối tác ở Công ty nghiên cứu thị trường Trivium China, có trụ sở ở Bắc Kinh, nhận định tất cả quy định quản lý nói trên là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc để hướng đến trở thành siêu cường công nghệ toàn cầu.
“Đằng sau tất cả chuyện này, tôi nghĩ Trung Quốc hiểu rằng nếu muốn trở thành một siêu cường công nghệ, thì cần phải thiết lập nền tảng quản lý vững chắc”, Schaefer nói trong cuộc trò chuyện với hãng tin CNBC hôm 11-1.
Ông nói thêm: “Động thái này của Trung Quốc đặt nền tảng về cách quản lý hoạt động của các công ty công nghệ nhưng đồng thời cũng thiết lập nền tảng về quản lý dữ liệu. Thực tế, dữ liệu có lẽ là vấn đề quản lý quan trọng nhất mà Trung Quốc cần phải xây dựng. Tất cả những điều này thực sự giống như kiểu tạo dựng một khung quản lý để làm bệ phóng mà từ đó Trung Quốc có thể phát triển và tiến nhanh hơn trong lĩnh vực công nghệ”.
Trung Quốc muốn các ‘ông lớn’ công nghệ phải phục vụ chiến lược quốc gia
Gần đây, Bắc Kinh thể hiện một lập trường cứng rắn hơn đối với các công ty công nghệ trong nước. Hồi tháng 11, giới chức trách ở Trung Quốc buộc Tập đoàn tài chính Ant Group, đơn vị liên kết của Alibaba, phải dừng thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và cải tổ hoạt động để phù hợp với quy định quản lý mới.
Tháng trước, Alibaba và hai công ty công nghệ khác của Trung Quốc bị SAMR phạt mỗi công ty 500.000 nhân dân tệ vì không công bố các vụ thâu tóm trước đây theo quy trình hợp lệ.
Song điều này không có nghĩa là Bắc Kinh đang tìm cách cản trở các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Emily de La Bruyere, người đồng sáng lập Công ty tư vấn Horizon Advisory Bruyere nhận định, Trung Quốc muốn bảo đảm rằng các tập đoàn công nghệ khổng lồ phải hoạt động kinh doanh dựa vào luật lệ và phục vụ chiến lược của Bắc Kinh.
Không chỉ Trung Quốc tiến hành các thay đổi sâu rộng trong việc quản lý ngành công nghệ. EU có lẽ là nơi quyết liệt nhất thế giới về vấn đề này. Năm 2016, EU thông qua Quy định Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) để quản lý cách các nền tảng internet xử lý dữ liệu của người dùng.
Hồi tháng 12 năm ngoái, EU đề xuất xây dựng Đạo luật thị trường số và Đạo luật dịch vụ số để kiểm soát nghiêm ngặt hơn các thực hành của các tập đoàn công nghệ toàn cầu, hướng đến mục tiêu xây dựng một không gian số an toàn hơn, trong đó quyền lợi của tất cả người dùng được bảo vệ cũng như thiết lập một sân chơi công bằng nuôi dưỡng sáng tạo, tăng trưởng và cạnh tranh ở thị trường châu Âu và toàn cầu.
Nhưng chính phủ Mỹ vẫn chưa ban hành một đạo luật quản lý toàn diện các khía cạnh của ngành công nghệ bao gồm dữ liệu. “Chúng tôi vẫn thấy quy định quản lý dữ liệu nghiêm ngặt ở Mỹ. Vì vậy, Mỹ chưa có nền tảng, kiểu như các nguyên tắc cơ bản, để có thể quản lý các công ty công nghệ trong nước lẫn nước ngoài”, Kendra Schaefer nói.
Schaefer cho rằng việc thiếu vắng chính sách quản lý dữ liệu cơ bản là một trong những lý do khiến Mỹ có cách tiếp cận dường như mang tính bộc phát để kiểm soát các ứng dụng của Trung Quốc, chẳng hạn TikTok và trừng phạt một số công ty Trung Quốc cụ thể. Washington đã thúc ép Công ty công nghệ ByteDance (Trung Quốc) bán tài sản của TikTok tại Mỹ, nếu không sẽ bị cấm hoạt động với lý do ứng dụng này đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, lệnh cấm này vẫn chưa được thực hiện vì vấp đơn kiện phản đối của TikTok.
Hôm 11-1, hãng tin Reuters dẫn lời hai nguồn tin nắm rõ vấn đề cho hay các cơ quan quản lý Trung Quốc bao gồm PBoC sẽ yêu cầu các ‘ông lớn’ công nghệ của nước này gồm Ant Group, Tencent, JD.com phải chia sẻ dữ liệu vay nợ của người tiêu dùng cho các cơ quan tín dụng quốc gia để ngăn chặn tình trạng cho vay quá mức và gian lận. Kế hoạch này, nếu được thực hiện, sẽ chấm dứt cách tiếp cận hạn chế can thiệp đối với ngành công nghệ và là một dấu hiệu nữa cho thấy Bắc Kinh muốn kiểm soát các ông lớn công nghệ. |
Theo CNBC