Mặc dù cũng chịu tác động không nhỏ từ dịch Covid-19 như tín dụng tăng trưởng thấp, khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm dẫn tới nguy cơ nợ xấu tăng...; nhưng nhìn chung trong năm qua, các ngân hàng vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, đảm bảo hiệu quả; từ đó hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo đó không chỉ tích cực thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; các ngân hàng còn tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, cắt giảm lương thưởng của đội ngũ cán bộ, nhân viên để có nguồn giảm mạnh lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện mặt bằng lãi suất thấp nhất trong vòng hơn chục năm trở lại đây, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiết giảm tối đa chi phí vốn để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Lãi suất giảm mạnh, cùng với các giải pháp thúc đẩy tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giúp tín dụng tăng nhanh trở lại trong nửa cuối năm. Nếu như nửa đầu năm tín dụng mới tăng 2,8% do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cầu tín dụng sụt giảm, thì đến cuối năm tín dụng tăng tới 12,13% cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng cao hơn so với dự báo đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng 2,91% trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng âm.
Trong báo cáo Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2021 mới đây của Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 trong khoảng 13% đến 14%. Cơ sở nhận định trên của SSI Research là sự phục hồi bắt đầu từ việc điều chế vắc xin Covid thành công; sự chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang nợ vay ngân hàng và việc tái khởi động tài chính tiêu dùng.
Nhờ lợi thế từ việc chi phí vốn giảm khi lãi suất huy động đã giảm từ 2 - 2,5% trong năm 2020, SSI cho rằng lãi suất huy động sẽ dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2021 do tín dụng tốt hơn. Môi trường lãi suất huy động thấp này sẽ tiếp tục giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn, cải thiện NIM. Việc cải thiện NIM cùng với tín dụng tăng trưởng tích cực hơn là động lực quan trọng giúp hoạt động kinh doanh ngân hàng trong năm 2021 khả quan trong năm 2021.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng dự báo tăng trưởng tín dụng cải thiện hơn so với năm trước ở mức 12-13% do các hoạt động kinh tế - xã hội được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn. Nhất là khả năng chống chịu các cú sốc của các ngân hàng ngày càng tốt hơn. Mặc dù vậy, theo vị chuyên gia này, tình hình tăng trưởng kinh doanh tốt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng kiểm soát dịch bệnh của thế giới và Việt Nam, hiệu quả của các gói hỗ trợ, sự hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch gồm cả khâu sản xuất, phân phối vắcxin và mức độ khôi phục kinh tế của các nước trên thế giới.
Một thách thức nữa đặt ra đối với ngân hàng trong năm 2021 là nợ xấu. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, áp lực nợ xấu là có, nhưng mức độ như thế nào vẫn chưa thể tính toán chính xác được, vì hiện tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, phải chờ qua mùa đông này và việc triển khai vắcxin có hiệu quả thì mới khẳng định dịch bệnh có được kiểm soát tốt hay không. Nếu kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động kinh doanh ngân hàng khả quan hơn, nguy cơ nợ xấu cũng giảm đi.
Đồng tình như vậy, song TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nợ xấu còn phụ thuộc vào việc sửa đổi Thông tư 01 theo hướng nào. Hiện tại NHNN đang trình Thủ tướng nội dung sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. TS. Lực cho hay, về phía Bộ Tài chính đồng tình quan điểm cho phép các TCTD giữ nguyên nhóm nợ, nhưng lại yêu cầu phải trích lập dự phòng đầy đủ. Điều đó khiến lợi nhuận ngân hàng sẽ bị giảm rất mạnh trong năm 2021.
Bên cạnh đó, theo TS. Lực, có thể thời gian tới, kinh tế tốt lên, doanh nghiệp hoạt động tốt hơn giảm rủi ro về nợ xấu nhưng rõ ràng số lượng nợ cơ cấu lại của các ngân hàng đang tương đối nhiều. “Hiện lượng nợ đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ vào khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Nếu chia cho tổng dư nợ hiện nay là 8,5 triệu tỷ đồng thì nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu là 4%. Dù hy vọng 50% số nợ cơ cấu quay lại nợ tốt nhưng như thế tỷ lệ nợ xấu cũng khoảng 2%. Cộng với tỷ lệ nợ xấu nội bảng hiện tại là hơn 2% thì nợ xấu lên tới 4%. Vì vậy, cần có ứng xử phù hợp đối với Thông tư 01”, TS. Cấn Văn Lực phân tích và đề xuất: trước tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên đưa ra 2 phương án đối với Thông tư 01 là cho phép kéo dài đến hết tháng 6 rồi điều chỉnh tiếp hoặc cho phép gia hạn thêm 1 năm.
Còn về tăng trưởng tín dụng trong năm 2021, NHNN đặt mục tiêu tăng khoảng 12% nhưng sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. “NHNN xác định mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Tuy nhiên, đây là con số định hướng điều hành chứ không cố định. Nếu tình hình dịch bệnh ổn định và ngành sản xuất kinh doanh cần nhiều vốn thì ngành Ngân hàng sẵn sàng mở rộng và ngược lại”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú lưu ý và nhấn mạnh, sẽ tạo điều kiện để cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng và an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ chỉ đạo TCTD tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Tín dụng sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các dự án có sức lan tỏa, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo một thành viên Hội đồng chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, quan điểm thận trọng trên là cần thiết. Nếu dòng vốn ngân hàng không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dễ đổ vào kênh đầu tư đang tăng khá nóng là bất động sản và chứng khoán. Điều này tiềm ẩn rủi ro với không chỉ hệ thống ngân hàng mà còn toàn bộ nền kinh tế nếu xảy ra bong bóng với hai thị trường này.
Xem thêm: lmth.32400000042210202-gnas-uam-mag-ueihn-gnah-nagn-1202-gnov-yk/nv.semitaer