Tổng thống Trump trong cánh tây Nhà Trắng - Ảnh: AFP
Một cựu quan chức Nhà Trắng không nêu tên mô tả hầu như không ai muốn dính líu tới ông Trump vào thời điểm hiện tại, "ngoại trừ ông Rudy Giuliani, luật sư của Trump, và một số người trung thành khác".
Thói quen trút giận trên mạng xã hội hay gọi điện cho bạn bè và đồng minh để tâm sự, giải tỏa căng thẳng của ông chủ Nhà Trắng cũng đã bị gián đoạn từ sau ngày 6-1.
Twitter, Facebook, YouTube và một loạt nền tảng trực tuyến khác đã đình chỉ hoặc xóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump, khiến ông trở thành "tổng thống không nền tảng" (cách dùng từ của Đài Fox News).
Chưa từng có tiền lệ
Cho đến thời điểm hiện tại, tên của ông Trump chắc chắn đã xuất hiện trong danh sách tổng thống một nhiệm kỳ cùng với ông Jimmy Carter và George H. W. Bush.
Trước vụ bạo loạn ở Điện Capitol, giới phân tích chỉ ra sự thất bại của ông Trump trong chiến dịch tái tranh cử có phần tương đồng với ông Carter năm 1980. Nước Mỹ khi đó cũng trải qua một cuộc suy thoái kinh tế như hiện tại, những chỉ trích nhắm vào ông Carter trong việc vực dậy nền kinh tế cũng nhiều như cách ông Trump xử lý đại dịch COVID-19.
Nhưng khi bạo loạn bùng phát, sự ra đi hàng loạt của các quan chức trong chính quyền đã khiến thất bại của ông Trump khác hoàn toàn với người tiền nhiệm. Tạp chí Time mô tả "gần như mỗi giờ trôi qua sau cuộc bạo loạn, ông Trump lại nhận được tin từ chức của ai đó".
Một cố vấn của ông Trump trong Nhà Trắng đã ví von chính quyền Trump giờ đây giống như một con tàu đắm với nhiều người đang tìm cách nhảy khỏi đó. Một loạt quan chức, trong đó có 3 bộ trưởng và quyền bộ trưởng cùng các cố vấn cho Tổng thống Trump, đã từ chức sau biến cố ngày 6-1.
"Đó là một đoạn kết, một sự chuyển biến đáng kinh ngạc khi cách đây một tuần người đàn ông ấy còn được cho là nhân vật quyền lực nhất trong Đảng Cộng hòa và có khả năng ra tranh cử vào năm 2024", Đài NBC News cảm thán.
Sự ra đi của bà Stephanie Grisham, chánh văn phòng đệ nhất phu nhân, là một "đòn giáng mạnh", theo Time. Bà Grisham là một người gắn bó với gia đình Trump và đã phụng sự tổng thống từ những ngày đầu ông vận động tranh cử năm 2015.
Bên trong cánh tây Nhà Trắng, những người được xem là thân tín của ông Trump giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay như chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, cố vấn thương mại Peter Navarro, giám đốc truyền thông xã hội Dan Scavino, con gái Ivanka và con rể Jared Kushner.
Cương quyết không từ chức
Sự ủng hộ và ảnh hưởng của ông Trump tại Điện Capitol cũng suy giảm nhanh chóng, dù vẫn còn hơn 100 nghị sĩ Cộng hòa phản đối luận tội ông.
Thượng nghị sĩ Pat Toomey của Pennsylvania hôm 10-1 đã kêu gọi ông Trump từ chức, trong khi một số nghị sĩ khác của Đảng Cộng hòa ủng hộ việc phế truất ông bằng Tu chính án 25.
Tuy nhiên, các nguồn tin của Đài NBC News cho biết Trump vẫn không chịu khuất phục bên trong phòng bầu dục và đã có cuộc nói chuyện với Phó tổng thống Mike Pence ngày 11-1 sau nhiều ngày cắt đứt liên lạc.
Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Trump dự kiến đến thăm một đoạn tường biên giới chia cắt Mỹ - Mexico ở bang Texas ngày 12-1, đánh dấu lần đầu tiên ông xuất hiện công khai sau biến cố ngày 6-1.
Trump cũng dự kiến chủ trì lễ trao Huân chương Tự do cho ông Bill Belichick, huấn luyện viên đội bóng bầu dục New England Patriots. Nhưng Belichick, người tự nhận là một người ủng hộ ông Trump, đã từ chối vinh dự này và viện dẫn vụ bạo loạn làm lý do.
Đài NBC News nhận định chuyến thăm bức tường biên giới của ông Trump là một nỗ lực nhằm nhắc lại những thành tựu và cam kết tranh cử mà ông đã hiện thực hóa trong bốn năm qua. Tuy nhiên, theo một số nhân viên Nhà Trắng, những nỗ lực cứu vãn hình ảnh này sẽ không thành công.
"Không một ai quan tâm vào lúc này cả" - một quan chức không nêu tên nói với Reuters.
Hai quan chức vừa rời Nhà Trắng tiết lộ ông Trump ngày càng quan tâm tới khả năng tự ân xá và đã yêu cầu các cố vấn còn lại tìm kiếm các thủ tục giấy tờ cần thiết. Tổng thống cũng hỏi các nhân viên còn lại trong Nhà Trắng rằng họ có muốn được ông ân xá trước hay không.
Ông Trump được cho đã cân nhắc việc ân xá trước cho các thành viên trong gia đình và một số người thân tín, bảo vệ họ khỏi việc bị truy tố theo các đạo luật liên bang.
Ông Trump "nhận một phần trách nhiệm" vụ bạo loạn
"Tôi đã nói rất rõ với tổng thống trong cuộc gọi rằng ông ấy phải chịu trách nhiệm về lời nói và hành động của mình. Tôi đã hỏi ông ấy cá nhân ông có thấy phải chịu trách nhiệm và cảm thấy tồi tệ vì những gì đã xảy ra hay không. Ông ấy thừa nhận có một phần trách nhiệm vì những điều đó" - lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện, dân biểu Kevin McCarthy, kể lại những gì đã nói trong cuộc gọi của ông với Tổng thống Trump.
Các nguồn thạo tin của Reuters và Fox News cho biết ông McCarthy đã tiết lộ cuộc trò chuyện với tổng thống trong một cuộc gọi với các nhân vật chủ chốt của Đảng Cộng hòa ngày 11-1.
Kết thúc cuộc gọi "đầy cảm xúc" dài 2 tiếng rưỡi, Đảng Cộng hòa vẫn chia rẽ xung quanh việc ông Trump có kích động vụ bạo loạn ở Điện Capitol hay không.
TTO - Ngày Tổng thống Trump và Phó tổng thống Pence dự kiến rời nhiệm sở là 20-1-2021, nhưng trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ hiển thị ngày hết nhiệm kỳ là 11-1-2021. Bộ Ngoại giao Mỹ đã mở cuộc điều tra.
Xem thêm: mth.93700922221101202-gnart-ahn-o-uih-noub-iouc-yagn-gnuhn/nv.ertiout