Lão Hạc và chú chó trong phim Cậu Vàng - Ảnh: ĐPCC
"Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, giật nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội... Lão Hạc ơi!".
Đoạn văn về cái chết của lão Hạc điển hình cho văn chương Nam Cao: văn "trữ tình sắc lạnh", đầy chua xót, đặc tả và ngồn ngộn chất hiện thực như thể con người bằng xương bằng thịt hiện lên.
Khi đặt cạnh sự sắc nét đó, Cậu Vàng - câu chuyện được phóng tác từ các tác phẩm của Nam Cao - chỉ là bản minh họa mờ nhòe, sơ sài.
Khi phim gắn với tác phẩm nổi tiếng
Không chỉ mô tả sơ sài cái chết xót xa của lão Hạc (nghệ sĩ Viết Liên), cả cái chết của Binh Tư (Phương Nam) cũng được phim phác họa qua loa bằng hình ảnh dòng máu đỏ lan trên mặt sông, rất ước lệ và thiếu trực diện.
Phim né tránh hầu như toàn bộ những hình ảnh bi kịch đủ sức nặng để gây ám ảnh, gây đau đớn cho khán giả về thân phận những con người cùng khổ, về một thời đại nghèo đói trong lịch sử Việt Nam.
Không hề có ngôn ngữ điện ảnh rõ nét, không hình tượng đắt giá, không góc máy ấn tượng, màu sắc lòe loẹt, lời thoại bê nguyên từ văn học, Cậu Vàng khiến nhiều khán giả thất vọng.
Đạo diễn Trần Vũ Thủy nói về tác phẩm Cậu Vàng anh dựng để tri ân nhà văn Nam Cao và đạo diễn Phạm Văn Khoa - những người đã mang đến vai Chí Phèo (phim Làng Vũ đại ngày ấy) cho NSND Bùi Cường (tác giả kịch bản Cậu Vàng): "Chúng tôi không tái hiện cuộc sống nghèo khổ trước năm 1945, mà hướng đến một tác phẩm về luật nhân - quả, bài học đối nhân xử thế".
Nhưng với mục tiêu thứ hai, bộ phim cũng không đạt được. Hoặc đây là mục tiêu sai lầm vì khi phim gắn với nguyên tác lớn, khán giả có quyền kỳ vọng.
Chuyển thể từ ba tác phẩm của Nam Cao nhưng Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa đã chuyển tải tốt hơn giá trị của tác phẩm gốc. Và với điều kiện làm phim thô sơ thời đó, phim vẫn khắc họa kỹ càng, tỉ mẩn về nhân vật và các chi tiết đắt giá, diễn xuất chân thực và đi vào lòng người, toát lên tinh thần nguyên tác.
Nếu nhà làm phim Cậu Vàng không đặt mục tiêu chuyển tải giá trị hiện thực hay tư tưởng của Nam Cao, chủ động xóa bỏ bối cảnh lịch sử (thời Pháp thuộc) của nguyên tác, phải đặt câu hỏi: Vì sao phải lấy các tác phẩm nổi tiếng, hệ thống nhân vật điển hình đã gắn chặt với tên tuổi Nam Cao mà không tự sáng tạo ra cốt truyện hay hệ thống nhân vật khác?
Mất trọng tâm
Bên cạnh con chó Vàng, 12 nhân vật được xây dựng trong tuyến truyện gây xé lẻ đất diễn và mất trọng tâm. Bà Ba vợ Bá Kiến (Băng Di) - người có chuyện đời riêng đầy bi kịch, làm lẽ nhà giàu rồi tham gia chuyện "gia đấu" - gần như được đẩy lên làm nhân vật chính cùng đất diễn khá áp đảo.
Trong khi đó, lão Hạc - người đáng ra là nhân vật chính - vắng mặt trong gần nửa thời lượng.
Nếu xét theo sự phát triển rõ rệt về tính cách và có kết cục đích đáng, bà Ba và Lý Cường (Will) đều mang dáng dấp nhân vật chính. Đây là thay đổi lớn của phim nhưng không hay, vì cả hai nhân vật này đều không quá đặc biệt.
Và cậu Vàng - nhân vật tiêu đề phim, được cho là chứng kiến mọi bi kịch con người trong thế giới ấy - lại xuất hiện qua lối dựng phim minh họa.
Sẽ là sai lầm nếu nhà làm phim nghĩ rằng có thể thể hiện ý đó bằng cách dựng đan xen một cảnh có cậu Vàng, một cảnh có con người. Đó không phải là góc nhìn của con chó mà vẫn là của con người, ở đây là nhà làm phim.
Sự tham gia của cậu Vàng vào các tuyến truyện bên ngoài lão Hạc vẫn rất ít ỏi, khiến cấu trúc nhân - quả mà cậu Vàng là nhân tố chính trở nên gượng ép.
Rõ ràng, phim phóng tác như Cậu Vàng không nhất thiết phải trung thành với nguyên tác văn học hay giữ nguyên hình tượng nhân vật, nhưng việc toát lên tinh thần của tác phẩm gốc là điều khán giả mong mỏi và cũng là điều nhà làm phim hướng đến.
Nói cho cùng, Cậu Vàng không thể nào tách khỏi cái gốc là những tác phẩm đầy hiện thực của Nam Cao: Lão Hạc, Chí Phèo, Sống mòn... Cái gốc ấy đậm đà, mạnh mẽ bao nhiêu thì cái ngọn là bộ phim lại nhạt nhòa, ốm yếu bấy nhiêu.
Tiếc cho đất diễn của nghệ sĩ Viết Liên và Hữu Châu
Ưu điểm ít ỏi của phim có lẽ là diễn xuất của nghệ sĩ Viết Liên trong vai lão Hạc và chú chó trong vai Vàng. Trong bối cảnh tranh tối tranh sáng đầy u uất của ngôi nhà lão Hạc, người và chó nương tựa nhau khá cảm động (dù lời thoại khiên cưỡng).
Nghệ sĩ Viết Liên khiến người xem tin vào tình cảm của lão Hạc dành cho cậu Vàng - "người bạn" cùng ông vượt qua những ngày tháng đớn đau buồn tủi cuối đời. Đôi mắt long lanh của chú chó trong nhiều cảnh khiến người xem tin rằng nó yêu thương người chủ nghèo.
Nhưng tiếc rằng Viết Liên không có cơ hội thể hiện nhiều. Sự ra đi của lão Hạc quá chóng vánh và nhẹ nhàng tước đi của khán giả cảm giác ám ảnh, đau thương và day dứt.
Và diễn vai Bá Kiến, NSƯT Hữu Châu đáng ra sẽ có màn hóa thân kẻ ác ấn tượng hơn nếu phim khắc họa rõ sự nham hiểm và tàn độc của điển hình "cường hào ác bá" này.
Bộ phim điện ảnh của đạo diễn Trần Vũ Thủy làm sống dậy các nhân vật quen thuộc trong các tác phẩm văn học của cố nhà văn Nam Cao, với 'chìa khóa' xuyên suốt là chú chó nhà Lão Hạc.
Xem thêm: mth.4931602221101202-oac-man-gnouhc-nav-iov-gnux-gnohk-gnav-uac/nv.ertiout