Thống thống Indonesia Joko Widodo đã được tiêm mũi vắc xin đầu tiên trong buổi lễ được phát trực tiếp trên truyền hình vào ngày 13/1. Sau ông Widodo, một loạt những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và các lãnh đạo tôn giáo cũng đã tiêm vắc xin do Trung Quốc sản xuất trong nỗ lực xây dựng lòng tin của công chúng.
Indonesia trở thành nơi đầu tiên trên thế giới ngoài Trung Quốc tiêm chủng đại trà CoronaVac, loại vắc xin do Sinovac Biotech Ltd. sản xuất. Nhiều câu hỏi được đặt ra về tỷ lệ hiệu quả của vắc xin Trung Quốc trong bối cảnh dữ liệu nghiên cứu không được công bố trong khi kết quả thử nghiệm lâm sàng khác nhau ở nhiều nơi.
Ở mặt khác, Indonesia đang đối mặt với một nhiệm vụ khổng lồ là tiêm chủng cho 181,5 triệu người, chiếm 2/3 dân số, trên hàng loạt các đảo tách biệt với nhau. Jakarta sẽ ưu tiên tiêm cho 1,5 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu quan chức trong đợt tiêm đầu kiên dự kiến kéo dài tới tháng 4. Người dân sẽ tiếp tục được tiêm vắc xin sau đó cho tới khi hoàn thành vào tháng 3/2022.
Indonesia đang ngày càng gánh chịu những áp lực phải tiêm vắc xin vì những đợt đóng cửa lặp đi lặp lại không thể làm chậm quá trình lây lan. Sau kỳ nghỉ năm mới, đại dịch ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này trở nên tồi tệ hơn. Indonesia đã có tới 100.000 ca nhiễm mới trong tháng này đồng thời dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh.
Ngoài thách thức về hậu cần khi triển khai tiêm vắc xin trên hệ thống đảo rộng lớn, chính phủ Indonesia cũng phải đối mặt với sự miễn cưỡng của người dân nước mình trong quá trình tiêm chủng. Một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 11 cho thấy 65% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng tiêm vắc xin chống Covid-19 trong khi ¼ số người không chắc chắn về điều đó.
Chính phủ Indonesia cũng đang nỗ lực để giảm chi phí vắc xin sau khi cuộc khảo sát trên cho thấy chỉ 1/3 số người dân nước này sẵn sàng trả tiền để được tiêm chủng chống Covid-19.
Trong khi một số nước Đông Nam Á vẫn tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, Indonesia và nhiều nước khác lâm vào tình cảnh hiểm nghèo khi số ca mắc liên tiếp gia tăng, đe dọa làm quá tải hệ thống y tế. Tại Malaysia, Quốc vương nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc kéo dài tới ít nhất 1/8/2021. Nếu dịch bệnh được kiểm soát lớm, tình trạng khẩn cấp cũng sẽ được gỡ bỏ.
Tuy nhiên, việc ban hành tình trạng khẩn cấp không đồng nghĩa với việc Malaysia sẽ đóng cửa các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dẫu vậy, các hoạt động không cần thiết cũng sẽ được hạn chế và nước này sẽ không tiến hành bầu cử cho tới khi tình trạng khẩn cấp được gỡ bỏ.
Trong bối cảnh các nước ít giàu khó có thể tiếp cận vắc xin của phương Tây, các loại thuốc do Trung Quốc sản xuất được coi là cứu cánh cho các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng cũng là điều khiến nhiều người băn khoăn với vắc xin của Trung Quốc, nhất là khi cả nhà sản xuất và các quốc gia thử nghiệm đều chưa công bố những thông tin chi tiết để thế giới có thể đánh giá khách quan.