Sau trào lưu uống nhụy hoa nghệ tây (saffron) để phòng, chữa bách bệnh, nhiều nơi tiếp tục quảng cáo, chào bán các sản phẩm dưỡng da, “đánh bay” sạm nám, điều trị mụn, chống lão hóa da… chiết xuất từ saffron - nhưng công dụng có thực?
Ma trận sản phẩm saffron
Tại siêu thị Saffron (Q.Tân Bình, TPHCM), nhiều loại nước uống, mỹ phẩm được giới thiệu “chứa nguyên liệu, tinh dầu saffron thượng hạng xuất xứ Iran”. Một thỏi son dưỡng saffron tại đây có giá 195.000 đồng. Theo lời nhân viên bán hàng, ngoài các thành phần thiên nhiên như dầu cám gạo, dầu quả, sáp ong… sản phẩm (SP) có Crocin từ saffron giúp chống ô-xy hóa, ngăn ngừa nứt nẻ, giảm thâm môi…(?).
Tại các cửa hàng siêu thị làm đẹp (Q.10) hay Luxury Girl (Q.Phú Nhuận) tinh chất saffron được bán phổ biến, kèm theo đó là hàng loạt công dụng được thổi phồng.
Xà bông dùng được quảng cáo có thành phần nhụy hoa nghệ tây được rao bán số lượng lớn |
Nhiều nơi còn chào bán các loại xà phòng saffron organic handmade với giá từ 90.000-250.000 đồng/SP. Lấy lý do là hàng handmade nên bao bì không có thông tin nhãn mác gì nhưng được quảng cáo vô vàn công dụng như giúp trị mụn, mờ thâm nám, sáng mịn da, se khít lỗ chân lông mà không bị khô da...
Tại cửa hàng chuyên bán thảo dược Ấn Độ (Q.Bình Thạnh), xà phòng dưỡng da cấp ẩm saffron giá chỉ 69.000 đồng/SP. Mặc dù giới thiệu “SP có chứng nhận sản xuất GMP châu Âu, Iso 9001:2005 của Úc, New Zealand; chứng nhận sản xuất hữu cơ bởi UKCERT (thành phần hữu cơ và không chứa chất gây hại)…” nhưng chúng tôi đề nghị được xem giấy chứng nhận thì người bán phớt lờ.
Không đáng tin cậy
Phó giáo sư - tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM, cảnh báo: “Không có nghiên cứu khoa học đáng tin cậy nào chứng thực tác dụng trị bệnh, làm đẹp, dưỡng da của saffron. Nhiều nơi quảng cáo rầm rộ khiến người tiêu dùng lầm tưởng saffron như “thần dược” chữa bá bệnh và có tác dụng phục hồi, tái sinh làn da”.
Phó giáo sư Đức cho biết, nhiều tài liệu xưa của nền y học cổ truyền Hồi giáo đã ghi nhận saffron có tác dụng chữa mất ngủ, chống trầm cảm, bổ gan, trị hen suyễn, giúp việc sinh đẻ dễ dàng nhưng không rõ thực sự thế nào. Ngày nay, người ta đồn đại thêm tác dụng trị bệnh của saffron là “trị liệt dương yếu sinh lý” và đặc biệt giúp tăng cường sắc đẹp phụ nữ như “giúp da sáng, khỏe, săn chắc và căng mịn hơn, làm mờ và giảm các vết thâm nám…”. Thế nhưng, những nghiên cứu khoa học về saffron có tính đơn lẻ, thử trên động vật thí nghiệm, thường là đi đến kết luận “saffron có một số đặc tính chữa bệnh gọi là tiềm năng” chứ chưa đi đến thử nghiệm lâm sàng cho kết quả khẳng định trị bệnh thật sự.
Ngoài ra, do quá đắt đỏ (thường khoảng 10-15 triệu đồng/50g) nên saffron rất dễ bị làm giả, thường bị trộn với nhụy hoa atisô và các chất tạo màu là bột nghệ hoặc các loại bột khác có màu sắc tương tự saffron. Do vậy, mỹ phẩm hay xà phòng làm đẹp dùng tinh chất saffron mà bán giá mấy chục, mấy trăm ngàn đồng/SP thì rất đáng nghi.
Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Da liễu TPHCM, cũng khuyến nghị người tiêu dùng không nên nghe quảng cáo mà mua dùng tinh chất, kem dưỡng, xà phòng saffron khi không biết rõ thành phần, chất lượng, nguồn gốc. Bất kỳ SP làm đẹp nào trước khi ra thị trường cũng phải qua nghiên cứu các chất có trong thành phần, kiểm nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả, sử dụng có tác hại gì trước mắt, lâu dài hay không…
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.9555241a-gnud-gnoc-ev-on-yat-ehgn-aoh-yuhn-noum-gnob-ax-mahp-ym/nv.moc.enilnounuhp.www