Ngày 13-1, chuyên gia người Việt trong đội điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nguồn gốc đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng đã có bài trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters trước khi bắt đầu quá trình điều tra tại thực địa.
Từ Singapore, trong thời gian chuẩn bị cho chuyến bay tới TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) - nơi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào cuối năm 2019, ông Hùng cho biết nhóm 10 chuyên gia của WHO ở lại Vũ Hán trong khoảng một tháng. Trong đó, đội điều tra phải trải qua hai tuần cách ly theo quy định của Trung Quốc.
Nhóm chuyên gia đã lên kế hoạch rằng trong thời gian sau cách ly, nhóm sẽ phỏng vấn các tiểu thương ở chợ, các nhân viên y tế và thành viên các viện nghiên cứu. Trong đó, nhóm dự định dành hầu hết thời gian ở khu vực trung tâm TP Vũ Hán.
Nêu ra quan điểm cá nhân, ông Hùng nghĩ rằng nhóm chuyên gia của WHO sẽ được quyền tiếp cận mọi thông tin mà Trung Quốc có được cần thiết cho quá trình điều tra. Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý rằng phải đến khi điều tra, ông mới biết chính xác giới chức Trung Quốc sẽ hợp tác tới mức nào.
TS Nguyễn Việt Hùng, nhà khoa học người Việt trong đội điều tra của WHO đến Trung Quốc. Ảnh: VIỆN NGHIÊN CỨU CHĂN NUÔI QUỐC TẾ
TS Hùng cho biết trong vài tháng qua, nhóm chuyên gia của WHO đã thường xuyên họp trực tuyến với các nhà khoa học Trung Quốc để chuẩn bị cho quá trình điều tra tại thực địa.
Ông Hùng hy vọng sau nhiệm vụ lần này ở Vũ Hán, đội điều tra sẽ phát hiện được những thông tin mới về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
"Chúng tôi muốn tìm ra cái gì đó, tìm được thông tin mới. Nhưng bản thân tôi không kỳ vọng vào việc sau chuyến đi, mọi thứ (về nguồn gốc COVID-19 - PV) sẽ rõ ràng. Tuy nhiên, đây (tức chuyến điều tra tại Vũ Hán - PV) thực sự là một bước tiến cần thiết" - ông Hùng chia sẻ.
Sau hơn một năm kể từ khi những ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, dịch COVID-19 đã lây ra toàn thế giới, gây bệnh ở gần 92.690.000 người. Trong đó, gần 1.984.500 bệnh nhân đã tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometer.
TS Nguyễn Mạnh Hùng là đồng lãnh đạo Chương trình Sức khỏe con người và động vật tại Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế. Nhờ đó, ông có kiến thức chuyên môn về an toàn thực phẩm phù hợp với nhiệm vụ điều tra tại các khu chợ truyền thống ở Vũ Hán.
Các thành viên còn lại trong đội điều tra là các chuyên gia đến từ Hà Lan, Anh, Qatar, Đan Mạch, Úc, Nga, Nhật, Đức và Mỹ.
Nhóm 10 chuyên gia này là đội điều tra đầu tiên mà WHO cử đến Trung Quốc để tìm hiểu về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 và những gì xảy ra trong giai đoạn đầu dịch bệnh được phát hiện tại nước này.
Trước đó, vào tháng 7-2020, TS Peter Ben Embarek, chuyên gia hàng đầu của WHO về dịch bệnh trên động vật, đã có chuyến công tác sơ bộ tại Trung Quốc.
Ngày 11-1, giới chức Trung Quốc thông báo đội điều tra của WHO sẽ tới nước này vào ngày 14-1. Tuy nhiên, trong một thời gian dài trước khi đưa ra thông báo trên, Trung Quốc bị chỉ trích là chậm trễ trong việc cho phép các chuyên gia quốc tế nhập cảnh vào nước này.
Thậm chí, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus còn tỏ ra "thất vọng" vì sự chậm trễ từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh cho rằng ông Tedros đã "có thể đã có hiểu lầm" vì Trung Quốc chỉ cố gắng chuẩn bị tốt nhất cho chuyến điều tra của các chuyên gia quốc tế.