Khi góp ý cho Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, các chuyên gia năng lượng cho rằng, tư duy về vấn đề làm quy hoạch chưa có thay đổi lớn, còn dựa vào nguồn năng lượng truyền thống, dẫn đến phải nhập khẩu nhiên liệu, đặc biệt nhập khẩu than là rất cao.
Cần thay đổi tư duy lập quy hoạch
Ngày 14.1, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho biết, ngày 11.1, đơn vị này đã gửi Thư kiến nghị góp ý cho Quy hoạch tổng thể về Năng lượng quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 đến Bộ Công Thương theo đúng quy trình góp ý.
Theo VSEA, về ưu điểm, đây là bản quy hoạch năng lượng đầu tiên mang tính chất tổng thể và có tính định hướng cho các quy hoạch năng lượng thành phần.
Bản dự thảo quy hoạch tổng thể đã khắc phục được nhiều tồn tại của các quy hoạch phân ngành trước đây, không chỉ chú ý đến yếu tố phát triển năng lượng (đủ và tin cậy) mà còn chú ý nhiều mặt khác như yếu tố môi trường, yếu tố biến đổi khí hậu, yếu tố giá cả, yếu tố thị trường, yếu tố tiết kiệm và hiệu quả, yếu tố kết hợp trong và ngoài nước…
Đặc biệt, kỳ này quy hoạch tổng thể đã bám sát các định hướng, chính sách về năng lượng với các chỉ tiêu định hướng trung và dài hạn của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết 55 của Bộ chính trị, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến 2050. Quy hoạch bám sát với tình hình thực tế và tính khả thi cao hơn.
Tuy nhiên, Dự thảo quy hoạch vẫn có một số điểm cần được xem xét kỹ lưỡng hơn. Cụ thể VSEA đưa ra các đề xuất như cần thay đổi tư duy lập quy hoạch theo hệ thống năng lượng hiện đại với 4 trụ cột: giảm phát thải, phi tập trung, chuyển đổi số và điện khí hóa;
Cập nhật lại dự báo nhu cầu tính tới tác động của COVID-19; Giảm tối đa nhập khẩu năng lượng sơ cấp, đặc biệt là than, thay vào đó khai thác tối đa tiềm năng nguồn năng lượng trong nước gồm: Bổ sung 2 mỏ khí mới Kèn Bầu và Khánh Hòa và tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo;
Bổ sung đánh giá tiềm năng lưu trữ năng lượng; Định vị lại vị trí ngành than trong tương lai; Cần có thị trường năng lượng đồng bộ với lộ trình cụ thể, bắt buộc, đi kèm phương án cụ thể cho giá năng lượng; Đưa ra biện pháp huy động vốn cụ thể; Bổ sung đánh giá lợi ích kinh tế - xã hội của kịch bản được lựa chọn.
Cần định vị lại ngành than
Theo chuyên gia Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng nhà nước Việt Nam - nhận xét: "Tư duy của lập Quy hoạch vẫn còn mang tính chất của ngành năng lượng truyền thống, chủ yếu vẫn là nhập khẩu than, rõ ràng là câu chuyện đó đã đi không đúng với xu hướng của thế giới.
Bài toán đơn giản nhất chúng ta có thể thấy ngay nếu phải nhập khẩu than, hay khí thì đều cần đến ngoại tệ, mà dùng đến ngoại tệ thì có nghĩa là cân đối ngoại tệ của đất nước để đáp ứng cho nhu cầu đó sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Vì thế chúng ta cần nhìn lại một cách tổng thể về huy động vốn cho việc phát triển năng lượng của Việt Nam nói chung".
Chuyên gia Ngô Đức Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương - nhấn mạnh, tư duy về vấn đề làm quy hoạch chưa có thay đổi lớn, còn dựa vào nguồn năng lượng truyền thống, dẫn đến phải nhập khẩu nhiên liệu, đặc biệt nhập khẩu than là rất cao.
"Trong hoàn cảnh như nước ta hiện nay, đặt ra vấn đề nhập than quá lớn. Năm 2020, nhập 12 triệu tấn, nhưng năm 2030 phải nhập tới 70 triệu tấn và đến năm 2050 và những năm sau, mỗi năm phải nhập thêm 100 triệu tấn. Trong khi ta đặt ra, đặc biệt trong Nghị quyết 55 đã nhấn mạnh phải tận dụng tối đa nguồn nhiên liệu sẵn có trong nước”.
“Đây là quy hoạch tổng thể của ngành năng lượng quốc gia cho tương lai, nên tư duy trong quy hoạch cần đột phá để theo kịp với mô hình năng lượng hiện đại: Giảm phát thải, phi tập trung, chuyển đổi số và điện khí hóa.
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng cần định vị lại vị trí của ngành than: Chọn tiếp tục phụ thuộc vào than đồng nghĩa với ô nhiễm hơn, tàn phá khí hậu; các kế hoạch phục hồi xanh hậu COVID-19 không có chỗ cho than…” - bà Ngụy Thị Khanh, Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam - cho biết.
Xem thêm: odl.658078-naht-uahk-pahn-neyuhc-uac-nav-aig-couq-gnoul-gnan-eht-gnot-hcaoh-yuq/et-hnik/nv.gnodoal